Bức tranh "mất tích" của danh hoạ Gustav Klimt tái xuất sau 100 năm
Một bức tranh của danh họa Gustav Klimt sẽ được đưa ra bán đấu giá vào tháng 4 tới sau gần một thế kỷ "mất tích".
Đó là bức 'Bildnis Fraeulein Lieser' (Chân dung Fraeulein Lieser), được họa sỹ Gustav Klimt vẽ vào năm 1917, ngay trước khi ông qua đời.
Nó sẽ được bán đấu giá vào ngày 24/4 và dự kiến thu về khoảng 43 triệu bảng Anh.
Theo Daily Mail, bức tranh đã được trưng bày công khai tại Vienna từ ngày 25/1, trong tình trạng tốt. Trong tranh là một phụ nữ tóc đen, choàng áo hoa xanh.
Trước đó, bức tranh được trưng bày lần đầu tiên tại một triển lãm ở Vienna vào năm 1925. Vào năm 1960, một người đàn ông tên Henriette Lieser sống tại Vienna (Áo) đã mua lại bức tranh.
Sau đó, Henriette Lieser đã qua đời trong chiến tranh và bức tranh nổi tiếng đã bị giấu kín trong bộ sưu tập của gia đình Lieser cho đến nay.
Giới sưu tầm nghệ thuật đã luôn thắc mắc rằng từ năm 1925 đến 1960, bức tranh này đã ở đâu.
Theo các nhà giám định, không có bằng chứng nào cho thấy tác phẩm đã bị đánh cắp, mất trộm hoặc bị chiếm đoạt một cách bất hợp pháp trước hoặc trong Thế chiến thứ hai.
Các tác phẩm của Gustav Klimt hiếm khi xuất hiện trên thị trường mở. Do vậy, nhà đấu giá Kinsky ước tính giá trị của bức 'Bildnis Fraeulein Lieser' sẽ đạt 30 đến 50 triệu euro, nhưng xét đến các đợt đấu giá liên quan đến danh hoạ Klimt gần đây, những con số có thể cao hơn.
Tháng 6/2023, bức 'Dame mit Faecher' (Người phụ nữ với cái quạt) của Gustav Klimt đã được bán ở London với giá 74 triệu bảng Anh, tạo nên kỷ lục đấu giá nghệ thuật châu Âu mới.
Kỷ lục đấu giá trước đó cho một tác phẩm nghệ thuật được bán ở châu Âu là cho 'Walking Man I' của Alberto Giacometti, được bán với giá 65 triệu bảng Anh vào tháng 2/2010.