Bệnh viện Bạch Mai nói gì giữa ồn ào khó khăn tài chính nhưng lại tuyển gấp đôi số nhân viên mới nghỉ?
Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, do nhu cầu của bệnh viện phát triển nhiều chuyên khoa mới nên phải tuyển dụng nhân sự mới phù hợp.
Những ngày qua, thông tin 221 cán bộ, người lao động thôi việc tại Bệnh viện Bạch Mai thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong số này có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ.... do bệnh viện kiện toàn, tinh gọn; 28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học…
Lý giải cho việc nhân viên thôi việc, bệnh viện cho rằng: Do tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lùm xùm xã hội hoá và do áp lực đổi mới.
Trong khi đó, một cán bộ làm tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lý do bệnh viện đưa ra chưa thật sự hợp lý. Do khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tất cả bệnh viện đều bị ảnh hưởng, không riêng Bệnh viện Bạch Mai.
Vị cán bộ này cũng cho rằng, bệnh viện nói khó khăn tài chính nhưng vẫn tuyển thêm người ồ ạt với 506 người, trong khi chỉ có 221 người nghỉ. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan mới, thay đổi hạ tầng, sửa sang, đập đi xây lại rất nhiều hạng mục như khu vực sân phía sau, khu vực mặt tiền, khu vực nhà lưu trú, xây lại miếu thờ...
Trước thông tin trên, chiều 15/4, ThS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định việc tuyển dụng hơn 500 nhân sự “không phải ồ ạt”.
Ông Thành cho biết, do nhu cầu của bệnh viện phát triển nhiều chuyên khoa mới nên phải tuyển dụng nhân sự mới phù hợp:
“Khi chuyên khoa chuyên môn sâu thì mở rộng nhân sự là điều cốt yếu. Bên cạnh đó, các yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ thì điều dưỡng được bổ sung, hộ lý, đội ngũ hướng dẫn viên lên đến hàng trăm người… Tất cả nhân sự nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Không phải vì không có tiền mà bệnh viện không tuyển dụng nhân sự thêm.
Tuyển nhiều nhân lực như vậy nhưng nhiều bộ phận vẫn còn kêu đang quá vất vả. Phải đủ nhân lực mới vận hành được bệnh viện, không tuyển lấy đâu ra người làm”, ông Thành cho biết.
Ngoài thông tin trên, có nhiều khúc mắc liên quan đến việc Bệnh viện Bạch Mai phá bỏ nhà tang lễ. Có ý kiến bác sĩ công tác tại bệnh viện cho rằng, việc có nhà xác bệnh viện là yếu tố nhân văn. Thế nhưng nhà xác đã bị “xoá sổ”. Nhiều người đặt ra câu hỏi những người đã khuất trên giường bệnh sẽ ra sao khi không có nhà tang lễ?
Trước vấn đề này, ông Thành cho hay, trong bối cảnh tinh gọn nhân sự đạt hiệu quả, bệnh viện đã giải thể một số đơn vị có chức năng không cần thiết, trong đó có dịch vụ nhà tang lễ bệnh viện. Đây là một trong những dịch vụ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý bệnh nhân, người nhà.
“Bệnh viện Bạch Mai có nhiều bệnh nhân rất nặng. Việc có nhà tang lễ trong bệnh viện khiến tâm lý những người bệnh gần đất xa trời rất hoang mang, suốt ngày kèn trống, đám tang ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế. Chưa kể, mỗi khi có đám tang gây xung đột giao thông, tắc cả bệnh viện. Chính vì thế bệnh viện quyết xoá bỏ. Thêm nữa nhà tang lễ không tạo thêm nguồn thu gì cho bệnh viện”, ông Thành cho biết.
Về số phận những người bệnh đã khuất, ông Thành cho biết, việc dừng hoạt động nhà tang lễ không có nghĩa bệnh viện không quan tâm đến bệnh nhân tử vong. Bệnh viện đã ký hợp đồng với Nhà tang lễ thành phố, Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn để phối hợp triển khai hoạt động tâm linh đối với bệnh nhân đã khuất.