Suốt 23 năm gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai, nữ nhân viên chia sẻ lý do nghỉ việc cùng hơn 200 người khác
Dù đã gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai suốt 23 năm nhưng giờ đây, chị N.T.L. đã quyết định cùng hàng trăm nhân viên khác tại bệnh viện này thôi việc.
Những ngày gần đây, sự việc hơn 200 nhân sự của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác… đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Bệnh viện Bạch Mai được coi là bệnh viện đầu ngành tuyến cuối của trung ương.
Chia sẻ với chúng tôi, chị N.T.L. (làm tại một đơn vị chức năng của Bệnh viện Bạch Mai), người từng gắn bó 23 năm tại bệnh viện này cho biết, cách đây vài ngày, chị đã quyết định xin nghỉ việc.
Theo chị L., chị đã làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai từ năm 26 tuổi. Dù vô cùng tiếc nuối khi dành cả thanh xuân cho nơi đây nhưng đó vẫn là lựa chọn cuối cùng của chị.
“Mọi việc tôi đều tận tâm, được đồng nghiệp, mọi người nhận xét là nhiệt tình, trách nhiệm. Mặc dù rất buồn phải dứt áo ra đi khỏi "ngôi nhà" của mình nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác", chị L. tâm sự.
Chị L. chia sẻ, khoảng 1 năm trở lại đây, nhân viên trong bệnh viện thường xuyên bị xử phạt nặng lỗi giao tiếp, cắt phụ cấp. Cùng với đó, nguồn thu nhập của nhân viên cũng bị giảm, không ổn định.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lý do chính khiến chị nghỉ việc: "Với công việc tại trung tâm, thu nhập của tôi mỗi tháng chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng. Đây là công việc tôi yêu thích gắn bó nhiều năm nên rất đam mê. Song, do cơ chế tại bệnh viện thay đổi nên tôi đành phải nghỉ việc. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng nghỉ việc tại bệnh viện", chị L. nói.
Theo anh N.Đ.K. (nhân viên Dược - Nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai), sau khi suy nghĩ kỹ, anh cũng quyết định nghỉ việc tại đây. Anh K. tâm sự, đã gắn bó với công việc tại bệnh viện được hơn 6 năm.
Trước khi kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thu nhập mỗi tháng của anh thấp nhất là gần 20 triệu. Tuy nhiên, thời gian qua, anh và nhiều nhân viên khác đều bị giảm lương mạnh.
"Tôi quyết định nghỉ do mức lương không đều trong khi đó công việc nhiều hơn. Mức lương của tôi có tháng giảm xuống gần 50%, tức chỉ khoảng 10 triệu. Thậm chí lương bị trả chậm 1, 2 tháng, có khi chậm tới 3 tháng. Ngoài tôi, vài người nữa cùng làm ở đây giờ cũng đi làm công việc khác", anh K. nói.
Trước sự việc trên, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, một trong những nguyên nhân nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác là vì việc đãi ngộ với viên chức, người lao động bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước tình trạng trên, Bệnh viện Bạch Mai đã đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành giá trần dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để có thêm nguồn thu cho bệnh viện, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức.
Vị này cho rằng, việc chuyển công tác tới nơi có thu nhập cao hơn không phải là vấn đề mới. "Trước đây, một số bệnh viện công lập khác cũng có tình trạng nhiều người nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân" - lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ nói.
"Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối quan trọng của miền Bắc nên việc đảm bảo ổn định đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn và tay nghề cao là rất quan trọng.
Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ viên chức, cán bộ, công nhân viên, động viên họ đoàn kết, gắn bó với bệnh viện để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và sớm có giải pháp ổn định tình hình", lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Y tế cho biết thêm.
Trước đó, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua có 221 cán bộ, người lao động thôi việc, tinh giản. Trong số này có 28 bác sĩ, bao gồm 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ.
Bệnh viện giải thích cho việc nhân viên đồng loạt thôi việc gồm 4 lý do chính: Do tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lùm xùm xã hội hoá và do áp lực đổi mới.