Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 29/02/2024 07:56 (GMT+7)

Cà Mau có trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên

Ca nghi mắc này có bố mẹ mới từ nước ngoài trở về, từng quan hệ đồng giới với người quen qua ứng dụng hẹn hò mà không sử dụng biện pháp an toàn trước đó.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau, tỉnh này vừa ghi nhận một trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ngay khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ là nam giới, 36 tuổi, ngụ xã Định Bình, TP Cà Mau. Người này khởi phát triệu chứng mụn mủ, đau rát vùng kín từ ngày 19/2.

Sau 3 ngày không thuyên giảm, anh đi khám và được chuyển lên Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi lên TP.HCM để xét nghiệm khẳng định.

Trước đó, người đàn ông có quan hệ đồng giới với một người quen qua ứng dụng hẹn hò mà không sử dụng biện pháp an toàn. Tại thời điểm phát hiện sự việc, bệnh nhân sống cùng bố mẹ mới ở nước ngoài về.

Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giải pháp phòng chống dịch sau khi nhận được thông tin ca bệnh nghi ngờ.

Cơ quan này nhấn mạnh các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân cần tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo cho hệ dự phòng kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch, cần hạn chế tiếp xúc người khác và được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm cũng như điều trị, cách ly kịp thời.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần đảm bảo tốt những điều sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

- Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cùng chuyên mục

Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Khu vực Hà Nội, ngày có mưa vài nơi
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện qua phân tích trên ảnh mây vệ tinh, ảnh rada thời tiết và số liệu định vị sét cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho các quận, huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai.
Đề xuất sửa đổi quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.