Căn cứ khởi tố hình sự đối với hành vi gây thương tích cho người khác dưới 11%
Trong trường hợp nạn nhân có thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ thì vẫn xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích".
Liên quan vụ một nam shipper bị tài xế xe ô tô hành hung gây bức xúc dư luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra quyết định tạm giữ hình sự đối với tài xế xe ô tô để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên trước đó, kết luận sơ bộ của Trung tâm Pháp y Hà Nội xác định nam shipper bị chấn động não và tỷ lệ tổn hại thương tích chỉ là 3%. Vậy trong trường hợp này, căn cứ nào để khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với tài xế ô tô?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú. Như vậy, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm, việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ nêu trên.
![Hình ảnh vụ việc.](https://media.phapluatvacuocsong.vn/images/2025/02/12/10-1739369717-picture1-14251809.jpg)
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định giữ người trong trường hợp khẩn cấp như sau: Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.Thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp là không quá 03 ngày và có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần gia hạn không quá 3 ngày. Hết thời hạn này cơ quan điều tra sẽ quyết định tạm giam hay không.
Bên cạnh đó, trong trường hợp việc hành hung, gây thương tích cho người khác mà kết quả giám định cho thấy mức độ thương tật của nạn nhân dưới 11%, cơ quan công an vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của nghi phạm về tội "Cố ý gây thương tích" với tình tiết định khung dùng hung khí nguy hiểm theo điểm a, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt của tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, Luật sư Bình cũng lưu ý rằng, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đây là nhóm tội danh thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, để có thể tống đạt các quyết định tố tụng cần có đơn yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự từ nạn nhân.
Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy, trong trường hợp nạn nhân có thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ thì vẫn xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích".
Theo quy định tại Án lệ số 17/2018/AL, yếu tố được đánh giá có tính chất côn đồ là việc: "chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân".
Với quy định này, "có tính chất côn đồ" được hiểu là hành vi bao gồm những yếu tố như coi thường pháp luật; luôn phá rối trật tự trị an; sẵn sàng, thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác và vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao, người phạm tội có tính chất côn đồ thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
Cũng tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021, Toà án nhân dân Tối cao tiếp tục đưa ra hướng dẫn thi hành quy định trên. Theo đó, trường hợp người phạm tội bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tính chất côn đồ" hoặc tình tiết định khung tăng nặng "phạm tội có tính chất côn đồ" theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.