Cần thiết phải quy định cấm dạy thêm dưới mọi hình thức
Liên quan đến quy định về “hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” trong dự thảo Luật Nhà giáo, luật sư khẳng định đây là nội dung rất cần thiết và nên có quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hơn khi được áp dụng, đặc biệt là vấn đề tự nguyên tham gia học thêm có thể bị các đối tượng lợi dụng, lách luật.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này không cấm các thầy cô dạy thêm học sinh mà nêu rõ việc dạy thêm trong nhà trường được phép trong một số trường hợp. Một là cho các học sinh yếu kém; hai là cho các học sinh khá giỏi cần bồi dưỡng; và ba là cho các học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Nhưng với tất cả những lớp dạy thêm, các thầy cô dạy miễn phí 100%. Thời lượng học thêm trong trường cũng được quy định mỗi môn học thêm không quá 2 tiết/tuần.
Bên cạnh đó, nhà trường không được xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa, không dạy thêm trước các nội dung đương nhiên được học. Mỗi lớp dạy thêm không được quá 45 học sinh. Và đặc biệt là không được dạy thêm cho học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, sau khi được ban hành, quy định về dạy thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây băn khoăn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả các cấp quản lý. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Cụ thể, cho ý kiến tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhiều nội dung liên quan những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức". Đại biểu đề nghị nên đưa thêm khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, khi phát sinh hành vi mới sẽ xử lý dễ hơn.
![Ảnh minh hoạ.](https://media.phapluatvacuocsong.vn/images/2025/02/10/10-1739152260-picture1-21210064.jpg)
Liên quan hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, ép buộc người học nộp các khoản tiền, hiện vật ngoài quy định, theo đại biểu đặt ra câu hỏi liệu hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm, nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được đúng không? Cho rằng không được ép buộc học thêm nhưng nếu tự nguyện thì vẫn được, đại biểu đề nghị quy định rõ "tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền". Như vậy sẽ giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm trá hình...
Theo quan điểm của Luật gia Đỗ Văn Nhân, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm đã phát sinh những vấn đề bất cập, tiêu cực cần có biện pháp chấn chỉnh để đưa về dạy thêm, học thêm về đúng quỹ đạo và bản chất nhân văn của nó. Những bất cập có thể kể đến đó là sự không trung thực của giáo viên trong việc dạy học ở nhà trường và dạy thêm ở nhà như: Dạy trên lớp thì theo giáo trình, dạy ở nhà thì nâng cao hoặc học sinh bắt buộc đi học thêm mới đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, bài thi trên lớp; đồng thời, việc dạy thêm, học thêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe học sinh do phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức, không có thời gian để vui chơi, giải trí nên đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em...; nguồn thu nhập của giáo viên từ việc dạy thêm không được kiểm soát, ít được kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân; chất lượng dạy thêm, học thêm chưa được đánh giá đầy đủ, toàn diện...
Công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm còn chưa đủ chặt chẽ như không có biện pháp quản lý chương trình dạy thêm và mức thu học phí học thêm; việc dạy thêm (cho một số học sinh có điều kiện đi học) dẫn đến không công bằng đối với các học sinh không có điều kiện đi học hoặc việc học thêm sẽ tạo gánh nặng về chi phí của phụ huynh.
Để khắc phục bất cập trên, Luật gia Đỗ Văn Nhân cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm ngoài cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tức là học sinh học trường nào thì tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường đó. Mặt khác, giáo trình, bài giảng của giáo viên phải được kiểm tra và phê duyệt của hiệu trưởng nhà trường thì mới tổ chức dạy thêm nhằm ngăn chặn việc lôi kéo học sinh với những bài dạy thêm mà chỉ có học thêm mới làm được bài kiểm tra, bài thi trên lớp.
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, kiểm soát giờ giấc học tập, sinh hoạt ngoại khóa, thời giờ nghỉ ngơi của học sinh; đảm bảo thời gian dành cho học tập hợp lý, khoa học, tạo điều kiện cho các em có thời gian vui chơi, giải trí để có thể tiếp thu nhiều kỹ năng sống khác ngoài việc học tập; đồng thời, kiểm soát được nguồn thu nhập của giáo viên, nếu giáo viên nào có thu nhập cao thì phải kê khai, nộp thuế thu nhập theo quy định.
Nhận thấy việc dạy thêm, học thêm hiện nay đang là chủ đề nóng được đông đảo dư luận xã hội quan tâm, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trên thực tế, nhu cầu dạy thêm, học thêm là tương đối cao bởi rất nhiều nguyên nhân có thể kể đến như: nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho học sinh; giúp quản lý học sinh tốt hơn, tránh các tệ nạn xã hội; tạo thêm thu nhập cho giáo viên... Mặc dù vậy, những tiêu cực mà vấn đề dạy thêm, học thêm gây ra (học sinh cảm thấy mệt mỏi; chất lượng giảng dạy của giáo viên giờ chính khóa không đảm bảo; thu các khoản phí vô lý...) đang đặt ra nhiều thách thức, khiếu nhiều người lo lắng và có ý kiến muốn cấm hình thức dạỵ thêm, học thêm.
Liên quan đến quy định về “hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” trong dự thảo Luật, Luật sư khẳng định đây là nội dung rất cần thiết và nên có quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hơn khi được áp dụng, đặc biệt là vấn đề tự nguyên tham gia học thêm có thể bị các đối tượng lợi dụng, lách luật. Còn khi tự nguyện tham gia, giả sử được cho phép thì cần có biện pháp để tránh tình trạng dạy thêm tràn làn, trá hình và nhất là vấn đề học phí.
Để giải quyết tình trạng làm dụng dạy thêm, học thêm thì cần đồng bộ nhiều giải pháp như giảm truyền thụ kiến thức một chiều, đan xen giữa lý thuyết và thực hành; thay đổi phương pháp giảng dạy để hình thành, phát triển năng lực của học sinh; hạn chế chạy đua điểm số, bằng cấp, chứng chí... giúp cho học sinh có định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp và tương lai sau này. Việc quản lý, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm cũng cần đảm bảo chủ động, khách quan và hình thành hệ thống quản lý trên nền tảng trực tuyến một cách nhanh chóng, đồng bộ, có hiệu quả.