Cần Thơ: Tòa phúc thẩm phân biệt thế nào là bồi thường và hỗ trợ?
Xét xử phúc thẩm, TAND Cần Thơ lại tuyên buộc bị đơn phải chia 50% tiền bồi thường hỗ trợ về đất cho nguyên đơn, trong khi Nhà nước không bồi thường về đất cho bất cứ ai.
Đất do nhà nước quản lí, chỉ hỗ trợ khi thu hồi
Cồn Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được chính quyền xác định là đất bãi bồi nên ngày 7/11/1979, UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) có quyết định số 887/QĐ.UBT qui hoạch quản lí sử dụng đất khu vực này. Trong quá trình phát triển, ngày 26/2/2018, UBND TP Cần Thơ có công văn số 592/UBND-KT về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án hoàn chỉnh giai đoạn 1 tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ nhà thi đấu đa năng đến còng xoay cồn Cái Khế). Theo đó, nhà nước chỉ hỗ trợ 50% giá đất theo hiện trạng sự dụng đất đối với các hộ sử dụng đất từ sau năm 1979 đến trước ngày 15/10/1993, khi có đất bị ảnh hưởng thực hiện dự án.
Vị trí đất do nhà nước quản lí, khi thực hiện dự án mở rộng đường, chỉ được hỗ trợ về đất nhưng toà tuyên chia đôi tiền bồi thường. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang (44 tuổi, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trình bày, vào năm 1992, cha mẹ bà là ông Nguyễn Văn Thâu (đã mất) và bà Phạm Kim Bên có mua của bà Phạm Thị Trường (đã mất) phần đất diện tích 1.590m2 (30mx53m) tọa lạc tại khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Do bà Trường chưa được cấp giấy CNQSDĐ nên việc mua bán được xác lập bằng giấy tay, có ký giáp ranh. Sau đó ông Thâu đi kê khai đăng ký đất đai. Phía trước phần đất này có mương lộ chạy từ Nhà thi đấu đa năng đến phần đất này, để tiện đi lại gia đình ông Thâu phải san lấp dần dần con mương trên đến năm 2007 thì hoàn chỉnh và sử dụng ổn định.
Đến năm 2016, UBND quận Ninh Kiều có Thông báo thu hồi đất để thực hiện công trình hoàn chỉnh giai đoạn 1 tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ Nhà thi đấu Đa năng đến vòng xoay cồn Cái Khế), phần đất của ông Thâu bị ảnh hưởng 305,4 m2 (loại CLN). Ông Thâu được hỗ trợ về đất 50% với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Lúc này, ông Tạ Văn Hai và một số người từ nơi khác (là những người thừa kế của bà Trường) nhảy vào tranh chấp, kiện đòi lại phần đất bị thu hồi hoặc được nhận tiền đền bù đối với phần đất này. Về tư cách các nguyên đơn là không hợp pháp, lẽ ra Tòa sơ thẩm không thụ lí đơn khởi kiện. Tuy nhiên….
Xử sơ thẩm TAND quận Ninh Kiều xác định, thời điểm 2 bên mua bán phần đất tranh chấp vẫn là mương lộ do Nhà nước quản lý, chưa thuộc quyền sử dụng đất của ai. Phần đất này giáp với phần mặt tiền liền với với phần đất bà Trường bán cho ông Thâu (đường để đi ra ngoài). Hơn nữa cũng không có chứng cứ nào của cơ quan có thẩm quyền xác nhận phần đất đang tranh chấp từng thuộc quyền sử dụng của bà Trường (bà Trường chưa từng kê khai sử dụng đối với phần đất này). Còn phía ông Thâu, sau khi chuyển nhượng đất đã đi kê khai và được ghi nhận vào sổ mục kê diện tích 1.799,6m2 và quản lý sử dụng là đúng quy định. Do đó tòa cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện phía ông Hai và những người liên quan là phù hợp với qui định của pháp luật.
Tòa phúc thẩm tuyên chia đôi tiền bồi thường hỗ trợ?
Tiếp đó, phía nguyên đơn có kháng cáo. Tòa phúc thẩm TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo, buộc phía ông Thâu phải chia cho phía ông Hai và những người thừa kế của bà Trường số tiền bồi thường hỗ trợ về đất là trên 511 triệu đồng.
Phán quyết này cho thấy dường như tòa phúc thẩm không phân biệt thế nào là bồi thường về đất và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Bởi theo Quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà vật kiến trúc (đợt 2) dự án Công trình Hoàn chỉnh giai đoạn 1 tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ Nhà thi đấu Đa năng đến vòng xoay cồn Cái Khế) thì ông Thâu, bà Bên chỉ được áp dụng chính sách hỗ trợ 50% giá đất theo hiện trạng sử dụng.
Cụ thể, Chính sách bồi thường, hỗ trợ được áp dụng theo Công văn 592 của UBND TP Cần Thơ “Đối với các hộ dân sử dụng đất sau năm 1979 đến trước ngày 15/10/1993 thì hỗ trợ 50% giá đất theo hiện trạng sử dụng đất”. Tức phần đất trên không thuộc chủ quyền của cá nhân nào, không đủ điều kiện để được bồi thường về đất mà Nhà nước chỉ hỗ trợ (công bồi đấp, tái tạo) cho người trực tiếp sử dụng phần đất này, cụ thể là vợ chồng ông Thâu bà Bên. Về phần tiền 1 tỉ, Nhà nước không bồi thường giá trị phần đất kia cho ai.
“Bồi thường và hỗ trợ là 2 việc hoàn toàn khác nhau, được pháp luật quy định rõ nhưng không rõ vì sao tòa cấp phúc thẩm lại gộp chung lại để buộc bà Bên chia tiền bồi thường về phần đất trên. Có phải Tòa phúc thẩm chưa xem xét một cách toàn diện hồ sơ vụ việc hay tòa không phân biệt thế nào là bồi thường và thế nào là hỗ trợ dẫn đến phán quyết sai lầm làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi”, bà Trang bức xúc nói.
Với phán quyết của HĐXX - Tòa phúc thẩm TAND TP Cần Thơ về chia đôi tiền “bồi thường hỗ trợ”, phải chăng Tòa công nhận QSDĐ của các đương sự và được nhận tiền bồi thường? Trong khi đất này chính quyền xác định đất do Nhà nước quản lí, chỉ hỗ trợ.
Báo tiếp tục thông tin đến bạn đọc.