Cảnh báo bệnh bạch hầu tái xuất hiện gây nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng
Sau gần 20 năm vắng bóng, hiện bệnh bạch hầu đang quay trở lại tại những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Mới đây tỉnh Hà Giang ghi nhận hơn 30 ca nghi mắc bệnh bạch hầu, đã có ca tử vong. Đáng chú ý, các ca bệnh đều từ 4 tuổi trở lên, ca tử vong 15 tuổi có yếu tố dịch tễ không rõ ràng khi không đi ra khỏi địa phương và không tiếp xúc với người mắc bệnh, trong gia đình không ai mắc bệnh tương tự.
Trước đó, vào tháng 5/2023, tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong là bé gái 10 tuổi cũng không có yếu tố dịch tễ rõ ràng.
Như vậy sau gần 20 năm vắng bóng, hiện bệnh bạch hầu đang quay trở lại tại những vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Đây là hồi chuông cảnh báo, nếu không triệt để phòng chống, dịch bệnh nguy hiểm này sẽ tiếp tục bùng phát và lây lan trong cộng đồng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có thể lây lan nhanh chóng và hiện nay vẫn đang được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc, hoặc nơi điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Để phòng bệnh người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng: tiêm phòng lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, 3 lần cách nhau 30 ngày. Tiêm nhắc lại lúc trẻ 18-24 tháng tuổi, 4-6 tuổi và sau mỗi 10 năm.