Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 19/04/2025 06:15 (GMT+7)

Cảnh báo khu vực phía Nam sẽ có đợt dịch sốt xuất huyết trong năm 2025

Theo chu kỳ của dịch sốt xuất huyết thường tăng từ 4 - 5 năm một lần, các chuyên gia Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã đưa ra cảnh báo khả năng khu vực phía Nam sẽ có một đợt dịch sốt xuất huyết trong năm nay.

Đây là thông tin được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị tổng kết các chương trình sức khỏe năm 2024 và định hướng hoạt động năm 2025 được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh.

Cảnh báo khu vực phía Nam sẽ có đợt dịch sốt xuất huyết trong năm 2025 ảnh 1
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Thành phố đang tiến tới công bố hết dịch sởi cho tất cả các phường, xã. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết đang rục rịch gia tăng.

Theo dự báo thời tiết, mùa mưa năm nay có thể sẽ đến sớm hơn. Khi mùa mưa đến sớm thì sốt xuất huyết chắc chắn sẽ tăng theo. Theo chu kỳ dịch sốt xuất huyết tăng 4 - 5 năm một lần, các chuyên gia Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra dự báo khả năng năm nay khu vực phía Nam sẽ có một đợt dịch sốt xuất huyết trở lại. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của ngành y tế.

Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay là 6.318 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là huyện Cần Giờ, Củ Chi và thành phố Thủ Đức.

Bác sĩ Hà Thị Thu Hương, khoa Nhi, Bệnh viện thành phố Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) cho biết, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đến khám tại bệnh viện trong thời gian qua tăng hơn so với cùng kỳ năm 2024. Với diễn biến thời tiết sắp bước vào mùa mưa, dự báo số ca mắc sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Qua theo dõi và điều trị nhận thấy, bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc cao nhất ở nhóm trẻ từ 6 tuổi trở lên, chiếm gần 70%.

Theo đó, bệnh thường diễn tiến qua hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu trong 3 ngày đầu tiên, trẻ sẽ sốt cao đột ngột, liên tục và khó hạ, kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp và đau hốc mắt, có thể xuất hiện phát ban. Sang giai đoạn nguy hiểm từ ngày 3 -7, trẻ có thể xuất hiện đau bụng vùng gan, nôn ói, vật vã hoặc li bì, xuất hiện chấm xuất huyết và chảy máu mũi miệng.

Bác sĩ Hà Thị Thu Hương cảnh báo: "Các biến chứng nguy hiểm thường gặp bao gồm sốc, tràn dịch màng bụng, màng phổi gây suy hô hấp, xuất huyết (da niêm, nội tạng) và suy các tạng như gan, thận, tim cùng rối loạn tri giác. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay như: trẻ vẫn khó chịu dù đã hết sốt, không ăn uống được, nôn ói nhiều, đau bụng dữ dội, tay chân lạnh ẩm, mệt lả, xuất hiện chảy máu, tiểu ít trên 6 giờ hoặc có dấu hiệu thay đổi hành vi".

Để phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cộng đồng. Các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng bao gồm diệt muỗi và lăng quăng thường xuyên, dọn dẹp môi trường sạch sẽ, phun hóa chất diệt muỗi định kỳ. Về biện pháp cá nhân, gia đình cần cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc chống muỗi và đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tuy vậy, trong giai đoạn gần đây, tình hình sốt xuất huyết trên thế giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp do điều kiện môi trường thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh, tốc độ đô thị hóa gia tăng, di biến động dân cư nên khó kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Hiện đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, số ca mắc hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11 nên công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch rất quan trọng. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế “tuýt còi” mỹ phẩm của Hana HP Group
Hai sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Cổ phần Hana HP Group phân phối chính thức bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc. Bộ Y tế xác định các sản phẩm ghi nhãn công dụng không đúng với hồ sơ công bố, tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Hay khát nước giữa đêm báo hiệu điều gì?
Giấc ngủ ban đêm là khoảng thời gian quan trọng để cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đánh thức bởi cảm giác khô miệng, khát nước thì đây không đơn thuần chỉ là do thiếu nước.

Tin mới