Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 23/06/2023 10:02 (GMT+7)

Cảnh báo loại ma túy mới ngụy trang dưới dạng đồ uống

Giám định một mẫu trà pha với nước, cơ quan Công an phát hiện có chứa chất ma túy, khi uống vào người bình thường sẽ dần trở nên nghiện, gây ảo giác mạnh, có thể dẫn đến hôn mê, vô thức, đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.

Cảnh báo loại ma túy mới ngụy trang dưới dạng đồ uống
Loại ma túy mới pha với nước như uống trà.

Ngày 22/6, Thượng tá Nguyễn Phước Nhành, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, trong quá trình tổ chức tiếp nhận trưng cầu giám định các chất ma túy, các giám định viên của đơn vị đã phát hiện một loại ma túy mới trong các gói trà.

Cụ thể, Công an tỉnh Bình Phước đã gửi Phòng Kỹ thuật hình sự mẫu vật trưng cầu giám định là các túi nilon có nhãn hiệu “CHALI” trang trí rất bắt mắt tương tự như các gói trà. Đây là tang vật cơ quan Công an thu giữ trong một vụ “Mua bán trái phép chất ma túy” tại TP. Đồng Xoài vào giữa tháng 6/2023.

Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bình Phước cho thấy trong các túi nilon nhãn hiệu “CHALI” phát hiện cùng lúc các loại ma túy: Nimetazepam, Methaphetamine (ma túy đá) và MDMA.

Đáng chú ý, Nimetazepam là một loại ma túy tổng hợp lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Người sử dụng ma túy gọi đây là “nước vui”. Người sử dụng chỉ việc pha gói trà thảo mộc này với nước suối và sử dụng như các loại nước giải khát nên rất dễ được các đối tượng tội phạm lợi dụng để trà trộn, giao dịch trên thị trường.

Khi uống loại “nước vui” này, người bình thường sẽ dần trở nên nghiện, gây ảo giác mạnh, có thể dẫn đến hôn mê, vô thức, đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.

Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo, để phòng ngừa hiểm họa từ những loại ma túy mới này, các cơ sở, cá nhân không kinh doanh các loại thực phẩm, nước uống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã đưa ra các cảnh báo về việc gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” dưới các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng và ma túy do tội phạm thực hiện hành vi “pha trộn”, “tẩm ướp”, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa “pha trộn”, “tẩm ướp” này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo loại ma túy được sản xuất dưới các dạng viên, dạng lỏng, dạng bột, dạng tem giấy… mà còn được trộn vào nhiều loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo, đồ uống. Điển hình, tháng 4/2022, Công an quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 10 gói bột pha nước giải khát, có mùi thơm và nghi chứa ma túy ngụy trạng dưới dạng nước trái cây (nho, xoài, dâu, đông trùng hạ thảo). Qua giám định thành phần, phát hiện mỗi gói có khối lượng khoảng 07 gam, chứa nhiều chất ma túy tổng hợp như MDMA, Methamphetamine, Nimetazepam và các chất phụ gia nguy hại. Đây đều là loại ma túy dạng mới được Bộ Công an ra cảnh báo trước đó và lần đầu tiên xuất hiện tại TP Đà Nẵng.

Trước tình hình tội phạm ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này. Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy.

Trong đó, có nêu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy như: giao dịch, mua bán của đối tượng chủ yếu diễn ra trên không gian mạng; sử dụng tài khoản mạng xã hội (zalo, viber, telegram, instagram...) để thỏa thuận số lượng, giá cả, sau đó thuê các đơn vị, cá nhân vận chuyển mà không trực tiếp giao dịch với nhau.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chỉ ra cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng “pha trộn”. Thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến tội phạm ma túy “núp bóng" dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; phối hợp với nhà trường, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật về ma túy. Đặt biệt, để phòng tránh thực trạng này, cần thiết phải có sự chung tay vào cuộc của lực lượng chức năng, sự ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo người dân.

Cùng chuyên mục

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng bị truy nã và bắt giữ
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương vừa thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Tạ Thị Dân (sinh năm 1959, ngụ tại khu phố 1, phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.