Châu Âu đứng trước nguy cơ ‘sụp đổ năng lượng chung’
Tình trạng thiếu khí đốt có thể đẩy các nước châu Âu vào hoàn cảnh “ngay cả khi có tiền cũng không mua được điện”.
Theo kênh truyền hình RT, Thủ tướng Montenegro Dritan Abazovic ngày 27/6 cảnh báo việc cung cấp khí đốt của Nga bị gián đoạn và các nước đồng loạt chuyển sang sử dung điện sẽ dẫn đến “sự sụp đổ năng lượng chung” ở châu Âu.
Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Abrazovic đề cập đến những phát biểu gần đây của Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck bày tỏ lo ngại về những thách thức năng lượng trong mùa Đông và khuyên người dân tắm ít hơn cũng như chuẩn bị quần áo dày hơn.
“Nếu như trong những ngày lạnh giá, khí đốt Nga không được cung cấp tới Tây Âu ở mức đáp ứng được nền kinh tế của những nước này, và khu vực chuyển sang dùng điện, sẽ xảy ra một sự sụp đổ về năng lượng nói chung”, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh tình trạng này còn nguy hiểm hơn giá năng lượng tăng cao. Theo ông, Tây Âu sẽ rơi vào tình cảnh “dù có tiền song cũng không có điện”.
Thủ tướng Abrazovic cho biết một trong những cách ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất đó xảy ra là phải cân đối lại ngân sách. Ông cho rằng dù không như những nước châu Âu khác là phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên song Montenegro vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng. Để trở nên độc lập hơn, chính phủ nên tập trung xây dựng các cơ sở năng lượng mới.
Đầu tháng 6, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA) Fatih Birol cảnh báo EU phải chuẩn bị trước khả năng bị Nga ngắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt trong mùa Đông năm nay. Đức, Áo, Italy và Hà Lan đã tuyên bố các kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc sử dụng than để tạo điện. Trong khi đó, Thụy Điển và Đan Mạch cho biết họ cũng khởi động các biện pháp khẩn cấp để hạn chế việc sử dụng khí đốt tự nhiên.
Thị trường khí đốt châu Âu đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung năng lượng khí đốt. Sản lượng khí đốt mà tập đoàn Gazprom của Nga cung cấp qua đường ống Nord Stream đã giảm đáng kể trong tháng này vì tác động từ các lệnh trừng phạt.
EU có kế hoạch chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu Nga vào năm 2030 như một phần phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm cả Đức, đã nhiều lần cảnh báo nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu nguồn cung dừng lại ngay lập tức.