Chi tiết điều kiện tách thửa đất ở áp dụng từ tháng 10/2024 tại Hà Nội
Ngày 27/9/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày 07/10/2024), quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Điều 14 của Quy định nêu rõ điều kiện tách thửa đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở). Cụ thể, đối tượng được tách thửa đảm bảo các điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ các trường hợp: Thửa đất thuộc dự án theo quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 31 Luật Nhà ở; Thửa đất thuộc khu vực đã có quy hoạch tỉ lệ 1/500 chi tiết đến từng thửa đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thửa đất gắn liền với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã bán, đã tư nhân hóa nhưng thuộc danh mục nhà biệt thự bảo tồn, tôn tạo theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố do UBND TP. Hà Nội phê duyệt; Thửa đất thuộc khu vực bảo vệ di tích thì thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Việc tách thửa đối với thửa đất ở phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại Điều 220 Luật Đất đai và các điều kiện sau: Với khu vực các phường, thị trấn thì chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới đường đỏ phải từ 04m trở lên; Chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa từ 04m trở lên; Diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2.
Khu vực các xã vùng đồng bằng: chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới đường đỏ phải từ 04m trở lên; Chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa từ 05m trở lên; Diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 80m2.
Khu vực các xã vùng trung du: chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới đường đỏ phải từ 04m trở lên; Chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa từ 05m trở lên; Diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 100m2.
Khu vực các xã vùng miền núi: chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới đường đỏ phải từ 04m trở lên; Chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa từ 06m trở lên; Diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 150m2.
Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi thì việc tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: Đáp ứng nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại Điều 220 Luật Đất đai; Lối đi được hình thành phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với các phường, thị trấn và từ 04m trở lên đối với các xã còn lại.
Thửa đất mới được hình thành (không bao gồm diện tích lối đi) phải đảm bảo đồng thời các điều kiện của loại đất tách trong thửa đất đó được quy định...
Phân loại các xã cụ thể như sau: tại Huyện Ba Vì thì các xã vùng miền núi là: Ba Trại, Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài; Các xã vùng trung du: Cẩm Lĩnh, Phú Sơn, Sơn Đà, Thuần Mỹ, Thụy An, Tiên Phong, Tòng Bạt, Vật Lại; Các xã vùng đồng bằng: các xã còn lại.
Huyện Mỹ Đức: các xã vùng miền núi là An Phú; Các xã còn lại là vùng đồng bằng.
Huyện Quốc Oai: các xã vùng miền núi là Phú Mãn, Đông Xuân; Các xã vùng trung du: Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát; các xã còn lại là vùng đồng bằng.
Huyện Sóc Sơn: các xã vùng trung du là Nam Sơn, Bắc Sơn, Minh Trí, Minh Phú, Hồng Kỳ; Các xã còn lại là vùng đồng bằng.
Thị xã Sơn Tây: các xã vùng trung du: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn.
Huyện Thạch Thất: các xã vùng miền núi: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân; Các xã vùng trung du: Cần Kiệm, Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Thạch Hòa, Lại Thượng, Cẩm Yên; còn lại là vùng đồng bằng.
Các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa: tất cả các xã thuộc vùng đồng bằng.