Chợ quê Việt nơi đất khách
Chợ chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần vào khoảng 6-7 h sáng và thường tan chợ vào hơn 11 giờ. Ban đầu, người mua là bà con đi lễ tại Đài Đức Mẹ La Vang của giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston,Texas.
Houston là thành phố lớn nhất bang Texas và đứng thứ tư trong các thành phố lớn của Hoa Kỳ, dân số khoảng hơn 2,5 triệu, trong đó Việt kiều sinh sống tại đây hơn tám vạn người. Một thành phố lớn, hiện đại không thiếu gì các siêu thị, đại siêu thị, trong đó có cả siêu thị của người Việt với tràn ngập hàng hóa đủ loại đáp ứng mọi nhu cầu của con người.
Nhưng cũng tại đây, lại có một chợ mang đậm bản sắc “Chợ quê” của Việt Nam về cả con người cũng như hàng hóa là điều rất hiếm ở Hoa Kỳ. Chợ nằm trên đường Old Foltin, cách thành phố Houston khoảng ba mươi phút xe chạy và họp ngay ven bức tường Thánh địa La Vang do bà con Giáo dân người Việt xây dựng.
Chợ chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần vào khoảng 6-7 h sáng và thường tan chợ vào hơn 11 giờ. Ban đầu, người mua là bà con đi lễ tại Đài Đức Mẹ La Vang của giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston,Texas. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa nên người dân đến với chợ mỗi ngày một đông, không chỉ có giáo dân, mà còn có cả khách thập phương từ khắp nơi ghé đến, vừa để tham quan và cũng một phần để được sống trong không khí như đi chợ ở quê nhà.
Hàng bán ở chợ, hầu hết đều từ cây nhà, lá vườn do các chị, các mẹ tự trồng rồi mang ra chợ bán như bầu bí, mướp, khổ qua, rau lang, rau muống, mồng tơi, rau đay, rau ngót, tía tô, dấp cá, hành, hẹ, chuối… những sản phẩm thuần Việt rất tươi ngon.
Chợ cũng có trứng gà nhà nuôi hay mớ cá, con tôm do những người đi câu mang về ăn không hết mang ra chợ bán.
Có cả những lọ cà muối, chai tương ớt, hay các loại bánh, mứt đặc sản Việt Nam do bà con chế biến mà ở các siêu thị không có.
Về giá cả, so với giá bán ở siêu thị thì rau trái ở đây rẻ hơn nhiều. Ví dụ như bó rau muống ở siêu thị bán 2 USD/bó nhưng ở chợ chỉ bán 1 USD/bó. Có khi mua 5-10 bó còn được tặng thêm 1 bó, gặp được người quen thì vừa bán vừa cho đúng chất dân dã của người Việt.
Bà con người Việt đặt cho chợ một cái tên rất dân dã là Chợ “Chồm hổm” bởi hình ảnh tuy lạ với xứ người, nhưng cũng rất quen với người Việt. Người bán thì ngồi xổm trên những chiếc ghế nhựa thấp lè lè hay ngồi trên những chiếc đòn gỗ kê sát mặt đất, còn người mua cũng ngồi xổm xuống để lựa hàng, hoặc cúi lom khom nhìn ngắm những mớ rau, mớ cá, vài quả chanh, nhúm ớt… tất cả đều tươi rói, được bày bán trên những tấm nylon trải trên mặt đất, sát vệ đường.
Chợ nhỏ, nhưng rất vui bởi tiếng chào hàng tíu tít “ Mua rau Muống đi cô ơi, mới hái sáng nay tươi ngon lắm”; “ Mướp ngon nhà trồng đây chú, một đồng (1 đô la) hai quả chú à”...” Mua chuối đi Bà, chuối chín cây đấy”...có cả tiếng mặc cả “ hai đồng ba bó được không cô – không được đâu ạ, nhưng nếu bác mua năm bó thì em tặng thêm một bó”...và cả tiếng chào hỏi, tiếng cười nói của những người quen gặp nhau sau buổi lễ.
Người bán và cả người mua phần nhiều là các ông già, bà cả... những khuôn mặt đôn hậu, chân chất mà mỗi lần đến chợ như muốn gợi nhớ về quê hương đất nước.
Chợ “ chồm hổm” ở Houston, theo mọi người đã có trên hai mươi năm. Đến nay, vẫn còn những người có mặt từ những ngày đầu tiên như bà Giáp. Năm nay bà đã hơn 80 tuổi, nhưng hàng tuần vẫn có mặt tại chợ với món hàng truyền thống về các loại rau của mình.
Bà kể từ cuối những năm 70, được các con đón sang sống tại đây, thời gian rảnh rỗi không biết làm gì nên sẵn có mảnh đất bà trồng các loại rau quê như rau muống, rau cải, hành, hẹ, rau thơm..nhà ăn không hết, bà đem bầy ra bán mỗi chủ nhật đi lễ. Nhiều người cùng hoàn cảnh, thấy bà bán được, cũng mang rau quả nhà trồng ra bán, cứ thế mà mỗi lúc một đông người hơn. Chợ “chồm hổm” từ đó mà thành. “Tôi bán ở chợ này hơn hai mươi năm rồi, lúc đó có mình tôi à. Khi mới ra bán, người trong nhà thờ đuổi quá chừng luôn, đuổi gớm lắm. Tui chạy đầu trên, chạy đầu dưới, cuối cùng họ cũng cho bán,” bà Giáp kể trong lúc tay thoăn thoắt nhặt rau, chăm chút lại những bó rau tươi ngon để vừa lòng người mua.
Chợ “ chồm hổm” Houston, đã trở thành hình ảnh thân quen không chỉ với bà con đang sinh sống ở Houston mà còn cho cả những người Việt xa xứ mỗi lần có dịp qua Houston tìm lại chút hồn quê nơi đất khách qua những con người, giọng nói, sản vật, tuy dân dã mà thân quen, như một dấu lặng giữa dòng đời ồn ào, náo nhiệt và gian truân để sống và tồn tại.