Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 23/01/2020 06:03 (GMT+7)

Doanh nhân Việt kiều Tôn Lâm: Nặng lòng cùng đất nước

Khi tờ lịch cuối cùng của năm 2019 được gỡ bỏ, cũng là thời điểm mỗi người chúng ta bình tâm suy ngẫm và nhìn lại chặng đường một năm đã qua để rồi lựa chọn và đánh giá những sự kiện ghi dấu ấn đối với đất nước và con người trên quê hương nước Việt.

Riêng đối với tôi, có một người đã để lại cho tôi những cảm xúc về những đóng góp lớn với quê hương đất nước nhưng lại rất lặng thầm. Ông là doanh nhân Việt kiều Tôn Lâm - Người đã đưa thương hiệu phở Cali về đất Hà thành từ nhiều năm nay.

Doanh nhân Tôn Lâm.

Dường như các thực khách lần đầu đến nhà hàng Hoa An Viên ở số 95 Lê Đức Thọ (Đối diện Sân vận động Mỹ Đình), Từ Liêm, Hà Nội, họ chỉ biết đến ông đơn thuần là người bán phở. Còn những ai đã từng hiểu ông thì đều cảm phục về những việc làm và những đóng góp lớn lao của ông đối với quê hương và đất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà cách nay mấy năm, đúng vào dịp đất nước Kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam giải phóng đất nước thống nhất; Thời báo Los Angeles Time, một trong những tờ báo lớn nhất ở Mỹ có số lượng phát hành gần 3 triệu bản/ngày; vậy mà số ra ngày 1/5/2015 đã dành hẳn một trang để đăng bài "Dấu ấn Việt - Mỹ và con đường trở về quê hương".

Nội dung bài báo đã đề cập đến vai trò và tấm lòng đối với quê hương, đất nước của kiều bào nói chung và doanh nhân Việt kiều nói riêng; nổi bật lên trong số đó là doanh nhân Tôn Lâm - một doanh nhân nặng lòng cùng đất nước và đã có những đóng góp lớn, trực tiếp trong việc gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam cách nay gần 30 năm.

Trong câu chuyện vào chiều muộn cuối năm, ông Tôn Lâm hồi tưởng: “Đã 45 năm, vậy mà đến giờ tôi không thể quên được cái ngày tôi rời Sài Gòn cùng vợ và con trai. Lúc đó Quốc Vũ mới 6 tháng tuổi. Khi đó chế độ Sài Gòn trong cơn hấp hối, ông và gia đình đã được các nhân viên trong sứ quán Mỹ đưa lên một trong những trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn vào lúc 3 giờ sáng ngày 30/4/1975. Đó cũng là thời điểm mà tôi đã khóc. Những giọt nước mắt dàn dụa lăn chẩy trên khuôn mặt của tôi, khi trên tay ôm đứa con trai 6 tháng tuổi rời bỏ quê hương bằng chiếc trực thăng của người Mỹ.

Từ nóc tòa nhà đại sứ Mỹ tôi khóc, bởi dưới kia là biết bao đồng bào, bà con ta trong thân phận nghèo khó. Sau vài tiếng, cuối cùng chiếc trực thăng chở tôi và gia đình đã đáp xuống boong tàu sân bay USS Kitty Hawk trên Biển Đông. Từ đây tôi cùng gia đình được chuyển lên một con tàu thương mại chật ních 9.000 người Việt Nam tị nạn. Đến khi tàu cập cảng Guam, mọi người xuống tàu và bắt đầu cuộc sống trong trại tị nạn”. 

Ra khỏi trại tị nạn, gia đình Tôn Lâm được đưa tới định cư ở thành phố Chicago (Mỹ). Đây cũng là thời điểm cuộc đời của ông đã trải qua bao nỗi cơ cực. Đó cũng là thời kỳ mà mồ hôi và nước mắt quện chặt trong con người Tôn Lâm để vượt qua những cơn bĩ cực.

Thời kỳ đầu gia đình ông ở nhờ nhà một người họ hàng, sau đó phải ra ngoài thuê nhà. Ngôi nhà ông thuê đầu tiên nằm trong khu dân nghèo ở Chicago với giá 250 USD/tháng. Các cửa sổ có kính của căn nhà này bị vỡ hết nên tới mùa đông, tuyết rơi, cực chẳng đã, ông phải mở bếp gas để sưởi ấm. Ngày nào Tôn Lâm cũng đi làm ca đêm 8 tiếng từ 16h đến 24h, còn buổi sáng thì tranh thủ đi học tại Đại học tại Chicago, chuyên ngành hóa.

Thời gian vừa học, vừa làm ken đặc khiến Tôn Lâm không còn đủ thời gian để dành cho gia đình, vợ con. Có lẽ vì thế mà mỗi lần gặp con trai bé bỏng là mỗi lần nó coi ông như một người xa lạ. Bù lại, may mắn đã đến với Tôn Lâm khi ông học xong đại học tại Chicago và thi được vào Công ty hóa chất Olin. 8 năm làm việc tại đây, ông đã tích lũy được một số vốn kha khá. Ý chí quyết tâm làm giàu và tư tưởng thích làm chủ đã thúc đẩy Tôn Lâm đánh liều xin vay tiền ngân hàng, xây dựng một khu nhà cho thuê.

Chưa hết, ông còn mở thêm 1 nhà hàng bán cơm Việt Nam mang tên Mekong House ở trung tâm Chicago. Ông được bà quận trưởng sở tại và cả thành phố Chicago đánh giá cao trong việc đi tiên phong trong công tác phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm và góp phần biến nơi ông ở từ một khu dân nghèo có tình hình xã hội phức tạp trở thành một khu văn minh và trù phú, phát triển về du lịch vào bậc nhất của thành phố Chicago.

Năm 1987, các cơ quan báo chí và chính quyền thành phố đã bầu chọn Tôn Lâm là một trong 87 gương mặt doanh nhân thành đạt tại Chicago. Có thể nói, Tôn Lâm là một trong số ít doanh nhân Việt Nam thành đạt ở Mỹ những năm 1980, 1990. Thực khách tìm đến quán cơm Việt Nam ngày càng đông và nhà hàng của Tôn Lâm trở thành một trong 10 nhà hàng được tờ báo Tribune bình chọn ngon nhất thành phố Chicago trong 2 năm liền. Sau này, ông còn mở thêm một nhà hàng khác là Delta Lounge, trên đường 400 N.State St., Chicago.

Sau những sự kiện ấy, tiếng tăm của Tôn Lâm bay tới Liên Hợp Quốc (LHQ). Cuối năm 1988, Tôn Lâm là một trong số những Việt kiều đầu tiên được UNDP viết thư đề nghị ông quay về Việt Nam tham gia các hoạt động giúp quê hương phát triển kinh tế. Xa quê đã 13 năm tròn, Tôn Lâm nắm ngay lấy cơ hội, coi đây là dịp để trả nghĩa với đất nước, quê hương. Ông đặt chân tới sân bay Nội Bài một ngày đầu đông. Theo ông về nước còn có một đoàn quay phim của hãng truyền hình CBS. Chuyện đời ông khiến họ chú ý và muốn ghi hình ảnh một Việt Kiều trở về quê, điều còn hiếm lúc bấy giờ.

Ông hồi tưởng lại giây phút của gần 20 năm về trước: "Tôi đã khóc, nước mắt chảy từng giọt khi cửa máy bay mở ra. Tôi khóc vì thấy đời sống của người dân ta còn khổ quá; vậy mà lại phải dồn lực cho cuộc chiến tranh giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ Pôn Pốt và lại bị bao vây, cấm vận". Nhưng điều rất mừng là trong chuyến đi về nước lần ấy, Tôn Lâm được tiếp kiến cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. 

Tại cuộc tiếp kiến đầu tiên với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng đề nghị Tôn Lâm lưu lại Hà Nội để giúp ông một số việc, song vì xa quê lâu ngày, Tôn Lâm xin phép ông Thạch về thăm mẹ và quê hương ở tỉnh Bạc Liêu. Trên đường về quê, ông ghé thăm Trại nuôi dưỡng trẻ em mồ côi ở TP. Hồ Chí Minh. Nhìn những đứa trẻ, ông thấy xót xa bởi chúng bị thiếu dinh dưỡng. Mỗi tháng chỉ được chu cấp 1,5 USD/tháng.

Nguyên cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và ông Tôn Lâm trò chuyện trong khuôn viên của Bộ Ngoại giao (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Trên tuyến đường về quê, ông Tôn Lâm bắt gặp rất nhiều gia đình ôm nhau ngủ trên vỉa hè không chăn, màn; còn các doanh nghiệp thì đang loay hoay tìm hướng đi cho công việc kinh doanh của mình. Vốn là người nặng lòng với đất nước, kết thúc một tuần về thăm quê, Tôn Lâm trở lại Hà Nội. Gặp lại vị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Tôn Lâm thuật lại những câu chuyện mắt thấy, tai nghe trong chuyến đi về quê.

Ông nói với Bộ trưởng Thạch rằng, kinh tế đất nước mình còn khó khăn quá, đời sống của người dân còn quá nghèo; tình trạng lạm phát đang ở mức phi mã (gần 800%). Do vậy tại cuộc tiếp kiến với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ông Tôn Lâm đã đưa ra một giải pháp tổng thể nhằm xoay chuyển hướng đi của nền kinh tế và tháo bỏ thế bao vây, cấm vận của Mỹ.

Theo đó, cần rà soát và hủy bỏ những cơ chế bất hợp lý không phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới; tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tiếp đó là có cơ chế, chính sách để thu phục nguồn nhân lực, đoàn kết giữa cộng đồng người Việt ở trong và nước ngoài; tái cấu trúc nền kinh tế đi đôi với phát triển nền văn hóa, giáo dục. Và để xoay đổi tình hình bằng mọi giá, trước hết ta phải phá thế bao vây cấm vận của Mỹ.

Nghe Tôn Lâm đề xuất, ông Thạch lắng nghe và dường như đồng thuận các đề xuất của ông, nhưng việc rút quân khỏi Campuchia, ông không đồng ý. Thấy vậy "Tôi hỏi lại ông: Tại sao thì nhận được câu trả lời của ông: "Tôi không đồng ý vì tôi muốn biết thái độ của người Mỹ như thế nào, trước khi quyết định. Đây là giải pháp chú đưa ra. Hiện nay chúng ta không có sự liên lạc chính thức với chính phủ Mỹ. Tôi đề nghị chú Lâm đứng ra giúp vấn đề này. Khi có kết quả sẽ có quyết định".

Ngày hôm sau tôi đáp máy bay TU34 đi Bangkok (đây là cửa ngõ duy nhất để từ Việt Nam để tới Mỹ hồi bấy giờ). Sau gần 10 ngày lặn lội tìm và kết nối với những người bạn, tôi rất may mắn được một người bạn là luật sư ở New York giới thiệu tôi đến gặp ông Strobe Tabolt, Biên tập viên cao cấp của tuần báo Time ở ngoại ô Wasington DC. Tôi liền bay đến gặp ông và nhờ sắp xếp cho tôi gặp người có trách nhiệm trong Chính phủ Mỹ. Ông Strobe vui vẻ nhận lời và ngay hôm sau tôi có cuộc thảo luận trực tiếp với ông Richard Solomon, lúc đó là Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách khu vực Đông Nam Á. Buổi hội kiến với 2 chính khách Mỹ kéo dài đến tận 22h tối".

Trong câu chuyện, Tôn Lâm nhận ra rằng, hai bên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết nên chưa thể gần nhau được. Cảm nhận được áp lực nặng nề trong việc tìm giải pháp để đem lại kết quả cho cuộc đàm phán, cuối cùng Tôn Lâm nói với ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: "Nếu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, phía Mỹ sẽ phản ứng ra sao?" Nghe Tôn Lâm hỏi, vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hỏi lại: "Đây là câu hỏi giả định hay nghiêm túc?" Tôn Lâm xác nhận: "Đây là câu hỏi nghiêm túc". Ông Richard H.Solomon nghe và nói: "Nếu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia thì chúng tôi sẽ nối lại cuộc đàm thoại với Việt Nam".

Ông Thứ trưởng vừa dứt lời, Tôn Lâm đứng dậy, chủ động bắt tay ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rồi nói: "Tôi xin phép được kết thúc cuộc thảo luận ngày hôm nay” trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Và ông Tôn Lâm quay qua ông Strobe Talbott: “Tôi nhờ ông Talbott làm chứng cho lời khẳng định này".

Tôn Lâm kể tiếp: "Mặc dù tôi không biết uống rượu nhưng đêm đó, chúng tôi đã lưu lại tận khuya, tôi đã cụng ly tới bến với mọi người. Khi về đến khách sạn tôi đã kiệt sức và lăn ra giường. Lúc này hình ảnh của những đứa trẻ Việt Nam thiếu dinh dưỡng, những gia đình ôm nhau ngủ trên vỉa hè không màn không chăn, kinh tế đất nước đứng trước lạm phát phi mã và các doanh nghiệp loay hoay tìm hướng đi cho việc kinh doanh của họ, tôi nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm, nước mắt tôi lại trào ra, vừa mừng vừa lo vì không biết kết quả của cuộc đàm phán này sẽ đi tới đâu.

Sáng hôm sau, tôi liền bay về Hà Nội và báo cáo trực tiếp toàn bộ cuộc họp tại Mỹ và ý kiến của ông Richard H.Solomon về việc “nối lại cuộc đàm thoại với Việt Nam” cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và anh Đặng Nghiêm Bái (Vụ trưởng vụ Bắc Mỹ). Sau khi nghe tôi báo cáo, bộ trưởng đã yêu cầu tôi chứng minh. Tôi liền điện thoại cho ông Richard H.Solomon và ông này đã xác nhận lại với Bộ trưởng Thạch về việc “Mỹ đồng ý nối lại cuộc đàm thoại với Việt Nam”.

Hai ngày sau, Việt Nam tuyên bố rút quân ra khỏi Campuchia. Ba tuần sau đó, Đại tướng Taylor được cử đến Hà Nội để gặp Bộ trưởng Thạch và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Những tháng sau đó, Đại tướng Taylor đã nhiều lần đến Hà Nội để gặp Bộ trưởng Thạch. Cuộc đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam được lập lại một cách thuận lợi”.

Hai tháng sau, ông Tôn Lâm trở lại Washington D.C để tổ chức buổi tiệc cảm ơn những người đã giúp đỡ ông đạt được kết quả tốt trong cuộc đàm phán với phía Mỹ về việc cấm vận. Ông Strobe Talbott đề nghị tổ chức buổi tiệc này tại tư gia của ông. Ông Tôn Lâm kể: "Tôi ngồi cạnh ông Solomon và ông Strobe. Bữa tiệc vừa diễn ra, chúng tôi đang bàn luận về lộ trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thì ông Solomon nhận được cuộc điện thoại. Thấy nét mặt của ông xa xám lại và lặng đi trong giây lát, ông Strobe hỏi: "Chuyện gì vậy". Ông Solomon trả lời:  "Đông Âu bắt đầu sụp đổ".

Vài phút sau, bữa tiệc kết thúc để mọi người đi làm nhiệm vụ của mình. Sau này, Ông Strobe Talbott đảm trách chức vụ Thứ trưởng ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton và hiện nay đang làm Chủ tịch Viện chiến lược Hoa Kỳ: Brookings Institution (Đây là viện chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ đã có 100 năm bề dày lịch sử), còn ông Richard H.Solomon nguyên Thứ trưởng ngoại giao, và sau đó làm chủ tịch Viện chiến lược hòa bình Mỹ: United States Institute of Peace (Đây là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, cung cấp phân tích và được tham gia vào các cuộc xung đột trên thế giới).

Trong quá trình đàm phán nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông đã đi đi lại lại giữa Washington-Hà Nội liên tục. Để tạo điều kiện cho ông Tôn Lâm lưu lại ở Hà Nội, ông Nguyễn Cơ Thạch đề nghị cấp cho ông Tôn Lâm một căn nhà  để ở trong những ngày lưu lại ở Việt Nam nhưng ông Tôn Lâm đã từ chối nhận những bổng lộc trên vì lúc bấy giờ người dân của mình còn quá cơ cực và quá nhiều khó khăn. Ông Tôn Lâm đã đề nghị tự bỏ tiền túi để thuê nhà ở và các chi phí đi lại ở những chuyến đi lại như con thoi từ Mỹ về Việt Nam và chiều ngược lại.

Một người bạn lúc ấy đang làm việc tại A35 tìm thuê cho ông Tôn Lâm căn nhà đầu tiên trên đường Láng Hạ; song đối với ông, một người Việt xa quê, giúp đỡ quê hương là hành động ý nghĩa và thiêng liêng nhất bởi ông luôn mong muốn đất nước được đổi mới, phát triển, đi lên… Ngay cả những năm sau này, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Văn bản số 350/VPCTN-ĐN-M ngày 05/03/2015 gửi Bộ Ngoại giao để nghị có hình thức khen thưởng thỏa đáng cho ông Tôn Lâm về những đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước nhưng ông từ chối, ông xem "những đóng góp trên đây của ông là bổn phận của một công dân Việt Nam trước những khó khăn của đất nước, dân tộc".

Năm 1992, Tôn Lâm quyết định từ bỏ cuộc sống đầy đủ tại Hoa Kỳ và trở về định cư tại quê nhà, nhằm sẻ chia với những đắng cay ngọt bùi của cộng đồng người Việt tại quê hương. Cùng một vài người bạn, Tôn Lâm một lần nữa chứng tỏ tính sáng tạo và bản lĩnh một doanh nhân bằng cách mở một quán phở mang thương hiệu Cali ngay giữa lòng Hà Nội.

Hơn 30 năm trở về quê hương, Tôn Lâm không ngày nào không nung nấu quyết tâm và theo đuổi những kế hoạch phát triển kinh tế, đầu tư. Ông bảo: “Cuộc đời tôi không thể nghỉ được, phải làm nữa, làm nữa”. Ngoài dự án xây dựng nhà máy bột giấy ở Hậu Giang nay đã đi vào hoạt động và có đóng góp lớn cho nhân sách địa phương; do có vốn ngoại ngữ và khả năng giao tiếp tốt, Tôn Lâm đang thực sự là cầu nối của nhiều dự án đầu tư ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Có dự án đã hoàn thành, có dự án vừa triển khai, có dự án còn đang đàm đạo với đối tác nước ngoài.

Ngoài công việc kinh doanh, cứ đều đặn một tháng 2 lần (vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch), ông cùng vợ con về lại về thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu để nấu bữa cơm chay tại khu đền thờ gia tộc họ Tôn. Mỗi lần như thế, ông dành 150 suất cơm chay (mỗi suất 45.000đ) bữa trưa dành cho người nghèo ở địa phương. Sau khi dùng cơm xong, mỗi người còn được gia chủ hỗ trợ 5kg gạo.

Trong câu chuyện với tôi có một câu chuyện, hay nói đúng hơn đó là một sáng kiến với hiệu ứng tích cực trong việc làm giảm các vụ tai nạn giao thông. Sáng kiến này được chính quyền tỉnh Hậu Giang ghi nhận và triển khai thực hiện có hiệu quả dựa theo đề xuất của doanh nhân Tôn Lâm. Đó là việc dựng các tấm biển: "Stop - Dừng lại, quan sát, đi tiếp tại đầu các con ngõ và các con lộ nhỏ nối với các tuyến quốc lộ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông vốn diễn ra rất phức tạp ở địa phương này.

Sáng kiến của ông Tôn Lâm làm giảm thiểu tai nạn giao thông được tỉnh Hậu Giang áp dụng mang lại hiệu quả tốt.

Với sáng kiến này, sau 1 năm triển khai, tỉnh Hậu Giang đã lắp đặt được hàng trăm biển cảnh báo và đã phát huy tác dụng tốt. Đặc biệt là các khu vực điểm đen, phức tạp. Ước mong của Tôn Lâm là các biển cảnh báo "Stop" nói trên sớm được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Tôn Lâm bảo: “Nói thật, đây cũng là dịp để tôi được trả nghĩa cho quê cha, đất tổ – nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của đồng bào, bà con cô bác. Cũng nằm trong chương trình này, gia đình tôi đang hoàn tất hồ sơ để đầu tư xây dựng một trường Tiểu học dành cho trẻ em các gia đình nghèo. Đây chính là nguồn lực trong tương lai để xây dựng quê hương, đất nước”.

Tại buổi phát gạo cho người nghèo, ông Tôn Lâm định hướng cho con mình ngay từ bé đã biết chia sẻ tình cảm với những hoàn cảnh gặp khó khăn.

Trước đó ông đã trao tặng 2 trường học cơ sở cho tỉnh Hậu Giang. Với tấm lòng với quê hương và đất nước, đặc biệt với đồng bào nghèo nên doanh nhân Tôn Lâm đã được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm Đại sứ của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Và đặc biệt là ngày 03 tháng 8 năm 2016, ông đã được Tổng thống BarackObama gửi thư với nội dung:

"Thưa Tiến sỹ Tôn Lâm,

Chúc mừng ông đã giành được giải thưởng của Tổng thống Mỹ cho các hoạt động tình nguyện cộng đồng, và cảm ơn ông đã giúp đỡ các nhu cầu cấp bách trong cộng đồng của ông và đất nước của chúng tôi... Cảm ơn ông đã tận tâm cống hiến và vì những điều ông đã làm để tạo một ngày mai tốt đẹp hơn cho đất nước chúng tôi.

BarackObama - Tổng thống Hoa Kỳ".

Chia tay Tôn Lâm, khi mùa xuân đã mang hơi ấm về cho mọi nhà, Tôn Lâm nắm chặt tay tôi rồi bảo: "Theo dõi qua báo chí, tôi đồng tình với ý kiến của các chuyên gia cho rằng: "Ta hãy tháo trần tư duy. Ta có nghị quyết hay lắm, không có gì hay hơn nữa. Bao nhiêu thứ thế giới có, ta đều có. Nhưng quan trọng nhất là tháo trần tư duy để hành động. Nếu không tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ và nhất quán sang kinh tế thị trường thì ngay cả kịch bản số 0 cũng khó đạt. Con đường cải cách chính là thị trường và thị trường hơn nữa".

Chúng tôi thầm cảm phục ý chí của một doanh nhân vượt khó và thầm nghĩ về những đóng góp trực tiếp của ông trong cuộc phá bỏ thế bao vây cấm vận của Mỹ. Tôi lại chợt nhớ đến đất nước Cu Ba anh em, để phá bỏ cấm vận của Mỹ đã phải trải qua một chặng đường 60 năm, theo đó là những thiệt hại về kinh tế - xã hội lên như bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đề cập đã lên đến con số: 125 tỷ USD, để rồi từ đó mới thấy những đóng góp âm thầm, lặng lẽ của một người là ông Tôn Lâm.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bổ sung phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại
Theo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Công an nhân dân, trong đó có nghề, công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.