Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo 8 kiểu người dễ mắc bệnh tiểu đường, khuyến cáo làm ngay 3 việc để phòng bệnh
Những nhóm người này rất nên thận trọng trong việc phòng bệnh và nên thử đường huyết một cách định kỳ.
Tiểu đường là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Gây ra do rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Theo bác sĩ Lý Á Bằng (chuyên gia trong Khoa Nội tiết của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật): Điều nguy hiểm nhất khi một người mắc bệnh tiểu đường đó là phải đối diện với rất nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến suy giảm thị lực, đau tim, tàn phế, thậm chí dẫn đến tử vong... Chính vì thế, mọi người nhất định phải phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan tên là Cheng Hanyu chỉ ra rằng tiền đái tháo đường là lượng đường trong máu lúc đói rơi vào khoảng 100-125mg/dL. Lúc này, mọi người cũng có cảm giác mệt mỏi, đói, khát, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt... Tuy nhiên hầu hết các triệu chứng này đều không đủ rõ ràng, do đó mọi người hiếm khi thử đường huyết, không thay đổi lối sống, dễ khiến tiểu đường xuất hiện.
Chuyên gia dinh dưỡng cho hay, thông thường có 8 kiểu người rất dễ hình thành bệnh tiểu đường. Những nhóm người này rất nên thận trọng trong việc phòng bệnh và nên thử đường huyết một cách định kỳ.
8 kiểu người dễ mắc bệnh tiểu đường nhất
1. Người béo phì
Thừa cân, béo phì thường dẫn đến tình trạng lượng mỡ trong cơ thể cao, dẫn đến chuyển hóa insulin bất thường. Điều đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
2. Ít vận động
Những người lười vận động có nhiều khả năng mắc các vấn đề về béo phì. Đây là yếu tố dẫn đến cơ thể bị viêm mãn tính và độ nhạy insulin kém.
3. Có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường - thúc đẩy phản ứng viêm của cơ thể
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường như các món kho, các món chiên… sẽ làm tăng lượng đường trong máu và lipid máu. Điều này khiến cơ thể bị viêm và rối loạn quá trình trao đổi chất.
4. Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường
Các loại đồ uống có đường có liên quan đến việc đường huyết tăng vọt, đồng thời có thể làm tăng lượng calo tiêu thụ trong ngày. Từ đó dẫn đến béo phì và tiểu đường.
5. Người bị mất cân bằng vi khuẩn đường ruột
Vi khuẩn đường ruột điều chỉnh hệ thống miễn dịch, chống lại nguy cơ bị viêm của cơ thể. Đồng thời duy trì quá trình trao đổi chất. Khi hệ vi khuẩn mất cân bằng, hàng rào bảo vệ đường ruột bị thay đổi dẫn đến rối loạn chuyển hóa. Đây chính là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
6. Có cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường, con cái có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn
Bệnh tiểu đường có liên quan đến tính di truyền, do đó nếu có bố mẹ mắc bệnh này thì con cái cần phải chú ý. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giữ cân nặng cân đối và tập thể dục đều đặn.
7. Tiền sử tiểu đường thai kỳ
Nếu bạn từng bị tiểu đường thai kỳ trong thời kỳ mang thai thì sẽ có 40-60% khả năng mắc bệnh tiểu đường trong vòng 5-10 năm sau khi sinh.
8. Tiền sử mắchội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh nội tiết sinh sản. Khoảng 40% bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán mắc bệnh béo phì, đồng thời xác suất mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch cũng tăng cao.
3 việc nên làm để phòng tránh bệnh tiểu đường
1. Kiểm soát chế độ ăn uống: Việc kiểm soát khẩu phần ăn không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn đường hay chất béo để dẫn đến việc thiếu hụt dinh dưỡng. Điều quan trọng là không nên ăn quá no và quá nhiều, chỉ nên ăn no khoảng 80%, thực phẩm nên tăng cường là ngũ cốc nguyên hạt, rau, hoa quả...
2. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày để giảm mỡ, chống viêm, cải thiện lượng đường trong máu và độ nhạy insulin.
3. Ăn đủ chất xơ để kiểm soát lượng đường và cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột.