Chuyên gia khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine, không chủ quan với bệnh thủy đậu
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 14 đến 21/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 33 ca thủy đậu, tăng 26 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca thủy đậu từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn lên 1.911 ca (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong số các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay, huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, tiếp đến là huyện Chương Mỹ 417 ca, huyện Ba Vì 273 ca, quận Nam Từ Liêm 187 ca, huyện Thạch Thất 95 ca, huyện Thanh Oai 83 ca…
Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu nặng, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Như vậy, năm nay, số ca thủy đậu tăng mạnh từ đầu năm đến giữa tháng 4, sau đó giảm và thời gian gần đây bắt đầu tăng trở lại.
Theo chuyên gia y tế, hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong đó, người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Đáng lưu ý, một số người chủ quan cho rằng chỉ trẻ nhỏ mới mắc thủy đậu nên khi bệnh biến chứng mới đến bệnh viện.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không chủ quan, nên tiêm vaccine phòng thủy đậu. Khi thấy trẻ em hoặc người xung quanh mắc bệnh, cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Trẻ bị thủy đậu cần tắm bằng nước đun sôi để nguội, hạn chế dùng xà phòng để tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc. Sau đó, dùng khăn mềm thấm nhẹ nhàng toàn thân, bôi xanh methylen để sát khuẩn, mặc quần áo thoáng mát. Cùng với đó, cần vệ sinh mắt mũi, răng miệng 2 - 3 lần/ngày bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, không vệ sinh có thể gây bội nhiễm. Cha mẹ cũng thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết mùa hè nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: Tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… phát triển và gia tăng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.
Để chủ động phòng, chống các biện truyền nhiễm đang lưu hành trong nước, Sở Y tế thành phố đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm ca bệnh dịch; tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để lan rộng.
Ngoài việc tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo, các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của người bệnh, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn, thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc dịch bệnh mùa hè để chủ động giám sát, xử lý tại cộng đồng.