Chuyên gia y tế lý giải vì sao phần lớn người Việt mắc Covid-19 còn trẻ tuổi
Thực tế tại Việt Nam cho thấy đối tượng nhiễm đang ngược lại với Trung Quốc và Italy, khi tỷ lệ người trẻ bị nhiễm cao hơn với độ tuổi trung bình nhiễm là 34 tuổi…
Liên quan đến vấn đề này Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua phân tích tình hình tại Hà Nội thấy đối tượng nhiễm đang ngược lại với Trung Quốc và Italy, khi tỷ lệ người trẻ bị nhiễm cao hơn, chiếm trên 90%, độ tuổi trung bình nhiễm là 34 tuổi. Không chỉ ở Hà Nội, tại Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 là người trẻ cũng chiếm đa số.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, phần lớn các ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam trong thời gian gần đây là du học sinh về nước, nằm trong độ tuổi từ 18- 35 tuổi. Còn lại các bệnh nhân khác đa dạng về độ tuổi từ dưới 10 tuổi đến trên 60 tuổi và số ca tự lây nhiễm chéo trong cộng đồng rất thấp do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm tìm ra và cắt các nguồn nhiễm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng Hà, đó chỉ là một góc độ kết luận dựa trên số liệu các ca nhiễm của Trung Quốc. Xét về mặt y học, dịch bệnh Covid-19 là phản ứng của virus xâm nhập, nên sẽ phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người, kể cả những người trẻ tuổi khi mắc cũng có biểu hiện biến chứng rất nặng. Trên thế giới ghi nhận không ít các bệnh nhân trẻ tuổi từ 10-35 tuổi có biến chứng viêm phổi nặng, tổn hại đến sức đề kháng và chậm tái tạo tế bào dẫn đến thiệt mạng.
“Các bệnh nhân càng có nhiều bệnh lý nền thì tỷ lệ thiệt mạng sẽ cao hơn, không phân biệt ở nhóm độ tuổi nào, nhất là người trẻ. Người trẻ có lợi thế thể trạng tốt, ít các bệnh lý nền nên việc miễn dịch và tự sản sinh ra các loại kháng thể nhiều hơn các đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi. Đồng thời, các biến chứng phổi sẽ ít hơn nên hồi phục nhanh chóng trong quá trình điều trị. Song, không nên chủ quan nghĩ mình còn trẻ mà lơ là trong phòng chống dịch bệnh Covid-19”, bác sĩ Hồng Hà khuyến cáo.
Nhằm phòng ngừa dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị kê đơn thuốc đến 3 tháng cho người bệnh cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính; trường hợp đặc biệt có thể cấp phát thuốc tại nhà. Bên cạnh đó, cơ sở khám, chữa bệnh phải cung cấp số điện thoại của cơ sở cho người bệnh để liên hệ khi cần thiết. Việc kê đơn thuốc này chỉ thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch bệnh, khi hết thời gian công bố dịch thực hiện theo quy định hiện hành. Tổ chức khám bệnh và kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh tại trạm y tế xã, phường, trường hợp đặc biệt có thể cấp phát thuốc tại nhà.