Cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu: Tất tần tật về căn bệnh này
Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu.
Sau khi bệnh nhân P.T.C. (trú Kỳ Sơn, Nghệ An) tử vong do bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng đã điều tra dịch tễ và xác định có 119 người tiếp xúc gần. Trong đó, một người tiếp xúc gần ở Bắc Giang đã mắc bệnh.
Hiện các cơ quan chức năng đang triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.
Bác sĩ Bùi Thu Phương - khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra.
Bạch hầu là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, hiện nay nhờ chương trình tiêm chủng, bệnh giảm rõ rệt và ít gặp hơn, tỷ lệ tử vong do đó cũng giảm nhiều. Bệnh gây nhiễm độc nặng do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tổn thương chủ yếu là các màng giả ở họng, thanh quản, mũi.
Con đường lây bệnh
Đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí hay tiếp xúc với da người mắc bệnh; bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.
Bác sĩ Phương cho biết, thời kỳ ủ bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì, tiền sử tiếp xúc người bệnh và trong vụ dịch.
Thời kỳ khởi phát bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.
Thời kỳ toàn phát, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, ho và đau họng, khó nuốt, đau đầu, khàn giọng. Vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc nặng, miệng hôi, mệt mỏi nhiều. Người bệnh sẽ chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi. Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh to tạo hình ảnh “cổ trâu”.
Họng của người bệnh đỏ, màng giả trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, dính chặt vào amidan, họng, lan rất nhanh, bóc khó, gây chảy máu và làm giả mạc lan nhanh hơn, giả mạc này không tan khi cho vào nước. Màng giả khởi đầu thường có ở amidan, sau lan nhanh ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản.
Bạch hầu hô hấp có các thể bệnh: Bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu ác tính.
Ngoài đường hô hấp, bệnh bạch hầu có thể thấy bệnh trên da, kết mạc, niêm mạc sinh dục – tiết niệu, hậu môn, ống tai.
Các biến chứng của bệnh
Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên,viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu.
Bệnh bạch hầu được điều trị thế nào?
Đây là một bệnh cấp cứu nên cần nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Việc điều trị cần đảm bảo các nguyên tắc như: cách ly trong 10-14 ngày, nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường; kháng sinh diệt khuẩn; thuốc trung hòa độc tố càng sớm càng tốt; phát hiện sớm các biến chứng, xử lý kịp thời; chống tái phát và bội nhiễm; dinh dưỡng đầy đủ, nếu khó nuốt phải ăn bằng sonde dạ dày.
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị dự phòng cho trường hợp tiếp xúc gần.
Thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vắc-xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch.
Trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.