Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 11/08/2021 07:25 (GMT+7)

Có hay không FLC Stone tuồn tài sản công ty ra ngoài?

Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật từng lao đao, đứng bên bờ vực phá sản khi phần lớn tài sản đã bị tuồn sang công ty liên quan đến lãnh đạo. Còn tại FLC Stone, các khoản phải thu đang chiếm tới 63,5 % tổng tài sản.

Nghi án tuồn tài sản ra ngoài

CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) có vốn điều lệ 1.635 tỷ đồng. Thế nhưng, tại thời điểm 30/6/2021, tài sản phải thu ngắn hạn của FLC Stone cao hơn hẳn vốn điều lệ, lên tới 1.724 tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản.

Tình trạng tài sản nằm chủ yếu ở các khoản phải thu đã diễn ra trong thời gian ở FLC Stone. Hồi cuối năm 2020 và 2019, chỉ tiêu này đạt 1.771 tỷ đồng và 1.674 tỷ đồng, lần lượt chiếm 65,3% và 61,7% tổng tài sản.

Các khoản phải thu ngắn hạn tại FLC Stone đạt mức cao nhất là hồi cuối năm 2018, lên đến 1.809 tỷ đồng, chiếm 70,6% tổng tài sản công ty. 2018 là năm chỉ tiêu này tăng đột biến, tăng 1.352 tỷ đồng, tương đương 296% so với năm 2017. Nghĩa là trong thời gian đó, chỉ tiêu này tăng gần gấp 3 lần.

Trong các khoản phải thu ngắn hạn, phải thu ngắn hạn của khách hàng có giá trị lớn nhất, đạt 889 tỷ đồng. Đứng sau là phải thu về cho vay ngắn hạn (454 tỷ đồng), tăng mạnh so với con số 62,8 tỷ đồng hồi cuối năm 2017.

Tại thời điểm cuối năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại SCO phải trả FLC Stone hơn 281 tỷ đồng. SCO có địa chỉ tại số 56, Bà Triệu, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc do ông Trịnh Văn Đại là người đại diện pháp luật.

Công Ty TNHH Đầu Tư Phát Triển Và Xây Dựng Phương Đông phải trả FLC Stone 178 tỷ đồng. Công ty này được cấp phép từ năm 2004 và hiện tại đã ngừng hoạt động.

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eldon cũng là trường hợp cần quan tâm. Công ty thành lập vào ngày 1/11/2017 nhưng chỉ sau đó hơn nửa năm FLC Stone sẵn sàng “bán chịu” cho với giá trị rất lớn: 112 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, nợ này giảm xuống 107 tỷ đồng. Đáng nói, FLC Stone có lĩnh vực chính là khoáng sản còn Eldon có ngành nghề chính là trồng cây ăn quả.

Tại thời điểm cuối quý 2/2021, FLC Stone có tổng phải thu khách hàng ngắn hạn lên đến 1.035 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP là “con nợ” lớn nhất khi phải trả AMD số tiền lên đến gần 228 tỷ đồng. Hồi đầu năm, con số này là gần 245 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở “con nợ” lớn nhất Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP, một người họ Trịnh nắm giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật của SIP. Đó là ông Trịnh Văn Nam. Ông Trịnh Văn Nam đồng thời sở hữu 80% vốn công ty.

Lợi nhuận lao dốc

Tại thời điểm cuối năm 2018, các khoản phải thu ngắn hạn của FLC Stone tăng đột biến. Và cũng kể từ đó, lợi nhuận của công ty giảm dần đều.

Cụ thể, trong năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn 34,1 tỷ đồng và 24,1 tỷ đồng. Lãi ròng năm 2020 giảm 23,8 tỷ đồng, tương đương 49,7% so với năm 2018.

Kể từ 2018 đến năm, FLC Stone rơi vào tình cảnh bị chiếm dụng nhiều vốn, phải tăng cường đi vay. Và áp lực lãi vay tăng dần góp phần không nhỏ khiến lợi nhuận công ty đi lùi.

Nợ vay (bao gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn) tăng từ 267 tỷ đồng năm 2018 lên 352 tỷ đồng năm 2019 rồi giảm nhẹ xuống 342 tỷ đồng năm 2020.

Trong khi đó chi phí lãi vay tăng dần đều, trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 22,5 tỷ đồng, 29,5 tỷ đồng và 35,8 tỷ đồng.

JVC lao đao vì các khoản phải thu quá cao

Trước đây, có thời kỳ dài, Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) khiến thị trường chứng khoán rúng động vì các nghi vấn trong báo cáo tài chính, trong đó các khoản phải thu được nhắc đến khá nhiều.

Từ năm 2012, các khoản phải thu tại JVC tăng rất mạnh, tăng từ 435 tỷ đồng lên 747 tỷ đồng, chiếm 56% tổng tài sản, thấp hơn tỷ lệ này tại FLC Stone. Sau đó, phải thu tăng dần.

Từ năm 2013 đến 2015, JVC phải trích lập gần 1,4 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi. Nhưng tới 2016, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tại JVC vọt lên 1.127 tỷ đồng.

Cùng với đó, JVC đã đón nhận hàng loạt tin dữ như ông Lê Văn Hướng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc JVC đã bị tạm giam để phục vụ điều tra một số sai phạm cá nhân.

Hồi giữa năm 2015, JVC khiến cổ đông thiệt hại nặng nề khi cổ phiếu có 15 phiên giảm sàn gần liên tiếp. Thị giá “bốc hơi” 60% và đánh mất mệnh giá. Còn hiện tại, sau nhiều năm giao dịch dưới nửa mệnh giá (5.000 đồng/cổ phiếu), chốt phiên 10/8, JVC dừng ở mức 4.200 đồng/cổ phiếu.

Vì vậy, có thể thấy, chỉ tiêu các khoản phải thu ngắn hạn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của doanh nghiệp và cổ phiếu doanh nghiệp, từ đó quyết định đến thành bại của khoản đầu tư của cổ đông.

Cùng chuyên mục

Habeco thiếu tiền mặt để nộp phạt hành vi vi phạm về thuế?
Vi phạm hành chính về thuế, Habeco bị phạt, truy thu và buộc nộp đủ tiền chậm nộp tiền thuế tính đến hết ngày 3/1/2024 là 19,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày 31/3/2024, lượng tiền mặt của Habeco rất thấp, không đủ để nộp toàn bộ số tiền phạt này.
Xây dựng Hòa Bình lý giải nguyên nhân lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán
Sự chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán và số liệu báo cáo tài chính do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tự lập giảm 333 tỷ đồng đã được giải trình chi tiết tới Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, theo thông cáo phát đi từ đơn vị này ngày 1/4/2024.

Tin mới

Cảnh báo thủ đoạn tội phạm mới nhắm đến học sinh
Theo Công an tỉnh Lai Châu, đây là thủ đoạn phạm tội mới, các đối tượng lừa đảo nhắm tới các học sinh ở độ tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ sớm sẽ rất dễ trở thành mối nguy hại lớn cho xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động phạm tội lừa đảo, rửa tiền.