'Có kiêng có lành', Rằm tháng Giêng cố kỵ những điều này để cầu bình an
Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu hoặc Tết Thượng Nguyên) là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm của nước ta.
Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, Rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" của người nông dân để bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".
Cũng theo quan niệm xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Ngoài ra, theo quan niệm phương Đông, có một số kiêng kỵ ngày Rằm tháng Giêng mọi người cần nhớ để có được một năm thuận lợi, tránh mang xui xẻo, vận hạn cả năm.
Không cho vay tiền, mượn hoặc trả tiền
Ngày Rằm tháng Giêng kiêng kỵ cho vay, đi vay, đòi nợ kể cả cả nợ. Bởi ông bà ta tin rằng. nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn, còn cho vay thì tiền bạc bị phân tán, không may mắn, phát đạt.
Kiêng tiếng khóc
Trong ngày rằm tháng Giêng, các thành viên trong gia đình tránh gây mâu thuẫn, nên sống chan hòa, vui vẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên để con cái khóc lóc quá nhiều trong ngày này.
Không nói điều xui xẻo
Những lời nói xui xẻo, những phát ngôn không chuẩn mực thốt ra vào ngày Rằm tháng Giêng sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện xảy ra trong năm. Tốt nhất nên tránh nói những từ xui xẻo, không may mắn, thay vào đó họ sẽ nói những điều may mắn, vui vẻ cho bản thân và mọi người.
Không dọn dẹp nhà cửa
Vào ngày Rằm tháng Giêng các gia đình nên kiêng dọn dẹp nhà cửa, quét nhà bởi quan niệm xưa cho rằng nếu quét nhà vào ngày Rằm là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa.
Không cho nước
Người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi. Vào ngày Rằm tháng Giêng, nước được đổ đầy ắp trong các bình, chậu... tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, tài lộc.
Kiêng làm rơi, vỡ đồ đạc
Các đồ vật trong nhà nếu như bát đĩa, ấm chén, gương,… nếu bị rơi hoặc vỡ vào ngày Rằm tháng Giêng là điều không tốt. Nhiều người quan niệm, vỡ/ bể là những từ ngữ tượng trưng cho sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.
(Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm)