Công an TP. HCM hướng dẫn 7 kỹ năng sinh tồn đối với trẻ nhỏ khi gặp sự cố cháy nổ
Trẻ em luôn là đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi có hỏa hoạn, việc trang bị những kỹ năng thoát hiểm đồng thời cách sơ cứu cơ bản khi có cháy giúp trẻ bình tĩnh xử lý tình huống hơn nếu xảy ra cháy. Vì vậy, người dân cần phải cẩn thận và trang bị những kiến thức cần thiết, đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ.
Công an TP. HCM đã đưa ra hướng dẫn 7 kỹ năng sinh tồn đối với trẻ nhỏ khi gặp sự cố cháy nổ. Cụ thể:
Một là, khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy phải gọi ngay cho lính cứu hoả. Số điện thoại 114.
Hai là nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn ở cạnh, các con phải bình tĩnh nghe theo sự chỉ dẫn của người lớn có mặt ở đó.
Ba là chỉ cho con những lối có thể thoát ra ngoài khi có hoả hoạn xảy ra. Dạy con cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không chần chừ nán lại mang theo đồ hoặc nán lại gọi điện cho lính cứu hoả.
Bốn là nếu gia đình đang sống trong toà nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy con không bao giờ được di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy vì khi đó thang máy có thể ngừng do ngắt điện khi có hoả hoạn. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.
Năm là nhớ rằng không những lửa mà khói và khí độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngạt vì khói, hãy dạy con di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hoặc khoác thêm một chiếc áo khoác được nhúng nước nếu có thể.
Sáu là, khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa, hãy dạy con phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn để dập tắt lửa.
Bảy là, nếu bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải, khăn ướt bịt chặt các khe cửa không để khói vào, sau đó chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hoả để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hoả hoạn.
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy giúp trẻ em bình tĩnh khi gặp sự cố hỏa hoạn, từ đó giảm nguy cơ thương vong, tổn hại về sức khỏe và tinh thần đối với trẻ nhỏ.