Công bố kết quả kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam vào tháng 7
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ này sẽ công bố kết quả kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam vào tháng 7.
Cụ thể, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra toàn diện một nền tảng xuyên biên giới lớn ở Việt Nam, đó là TikTok. Đợt kiểm tra toàn diện này có sự tham gia của 5 Bộ, ban, ngành liên quan cùng vào cuộc, chia sẻ trách nhiệm quản lý nền tảng xuyên biên giới. Đây cũng là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể.
Hiện nay, đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và công bố kết quả vào tháng 7.
Theo đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, đối với các nền tảng xuyên biên giới, đơn vị này đã tổng hợp các biện pháp nhằm duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc. Từ năm 2017 tới nay, việc hợp tác và tỷ lệ đáp ứng của các nền tảng liên tục được cải thiện. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ đáp ứng cao nhất (hơn 90%), gỡ bỏ nhiều nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, quy trình xử lý nội dung xấu độc đặt ở mức cao hơn lần đầu được triển khai đối với tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Báo cáo của Cục Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy, thời gian xử lý nhanh hơn (chưa tới 12 giờ), số lượng nhiều hơn và huy động nhiều lực lượng cùng tham gia, kết hợp thủ công và AI (trí tuệ nhân tạo), thuật toán tự động để rà quét, chặn, gỡ nội dung vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 page quảng cáo; YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh; TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm. Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới áp dụng công nghệ rà quét tự động với quảng cáo.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng không bật kiếm tiền với trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nuôi dưỡng trang, kênh vi phạm pháp luật; các OTT (nền tảng cung cấp nội dung trên internet xuyên biên giới) cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật...