Công ty An Lạc 'xẻ thịt' đất dự án làm sân tập golf: ‘Ông lớn’ nhiều lùm xùm?
Công ty CP Đầu tư An Lạc là một trong những cổ đông lớn của Công ty CP Za Hưng, chủ đầu tư của những dự án thủy điện từng dính nhiều lùm xùm tại các địa phương.
Nhiều “tai tiếng”?
Mới đây, các bài viết của Môi trường và Đô thị Việt Nam liên quan đến đất dự án Khu đô thị Đại Học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) bị chính chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc “xẻ thịt” làm sân tập golf nhận rất nhiều sự phản hồi của dư luận. Điều kỳ lạ, việc sử dụng sai mục đích đất dự án diễn ra từ năm 2016 đến nay nhưng chính quyền địa phương không thể xử lý được.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chính quyền lại “bất lực” trong việc xử lý vi phạm; Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc là ai mà ngang nhiên hô biến đất dự án thành sân tập golf?
Dự án khu đô thị Đại học Vân Canh của Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc bị "xẻ thịt" làm sân tập golf không phép. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên trang chủ web http://anlac.vn/ của Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc, mục Dự án đầu tư, mảng thủy điện gồm dự án nhà máy thủy điện Nhạn Hạc, thủy điện Za Hưng và thủy điện Nậm Pông. Đây là 3 dự án do Công ty CP Za Hưng thực hiện.
Trên trang web, Nhà máy thủy điện Za Hung đã chở đất cát đến bờ đập chính của thủy điện rồi cho vào bao tải đưa xuống bờ tràn để xếp chồng lên cao. Ảnh báo Công an Đà Nẵng.
Theo phản ánh của người dân, công nhân Nhà máy thủy điện Za Hung đã chở đất cát đến bờ đập chính của thủy điện rồi cho vào bao tải đưa xuống bờ tràn để xếp chồng lên cao. Theo người dân thì việc làm trên của thủy điện Za Hung sẽ khiến mực nước trong hồ dâng cao thêm gần 1 m. Hệ quả là hoa màu, đất đai của người dân ven hồ chứa nước của thủy điện sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nguồn nước đổ về vùng hạ du cũng bị thủy điện này “ăn cắp” một phần.
Khi đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, khẳng định, các thủy điện muốn lắp đặt, nâng cao trình đập lên để tăng dung tích hồ chứa thì phải có sự đồng ý của Bộ Công Thương và có đánh giá tác động môi trường đầy đủ. Tuy nhiên khi đó, dưới cấp độ quản lý địa phương, Sở Công Thương chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc làm trên của Nhà máy thủy điện Za Hung.
Năm 2016, theo báo Pháp luật Việt Nam, Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc khiến người dân bức xúc vì những tiếng nổ phá đá vang trời, mái nhà hư hỏng, khói bụi gây ô nhiễm môi trường… Sự việc đó xảy ra ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Dự án Thủy điện Nhạn Hạc được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Công ty cổ phần Za Hưng làm chủ đầu tư, nằm tại bản Đan, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong với công xuất 59MW, tổng mức đầu tư là 1.881 tỷ.
Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Nhạn Hạc cho biết, khoảng cuối năm 2015, Công ty cổ phần Za Hưng triển khai dự án và thi công các hạng mục công trình phải nổ mìn, phá đá không kể ngày đêm, với liều lượng thuốc nổ lớn. Vì vậy, hàng ngày, họ phải chứng kiến cảnh gió cuốn bụi bay mù mịt, tiếng mìn nổ đá vang lên rùng rợn, cộng theo đó là đá bắn tứ tung khiến nhiều nhà bị xập xệ. Ngoài ra, các hộ gia đình ông Vy Văn Thiệp, Lộc Văn Dũng, Lô Văn Hùng nhà cửa có nguy cơ sạt lở, đe doạ tới tính mạng.
Cũng do thi công các hạng mục dự án phải đào đất hạ độ cao, các hộ tiếp giáp trước kia làm nhà chính giữa ngọn đồi, khi dự án vào lấy đất thi công đào đi một phần đồi khiến nhà cửa như “mất chân”, chênh vênh nguy cơ sạt lở.
Năm 2017, Thực hiện Quyết định số 802 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tuân thủ các quy định pháp luật tại các nhà máy thủy điện, đoàn kiểm tra do ông Tô Xuân Bảo – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm Trưởng đoàn cùng đại diện Cục Điều tiết điện lực, các Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra các nhà máy thủy điện trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Đối với Nhà máy thuỷ điện Nậm Pông, cần khắc phục ngay những tồn tại như: phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền hiệu lệnh thông báo trước khi xả nước qua cống xả cát; lập sổ theo dõi công tác kiểm tra các hạng mục công trình trong quá trình vận hành; làm việc với đơn vị tư vấn kiểm định an toàn đập xác định lại cấp công trình để lắp đặt các thiết bị quan trắc đập theo quy định.
Ai đang trục lợi từ đất dự án?
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng tải 2 bài viết Hoài Đức:Cty An Lạc 'xẻ thịt' đất dự án làm sân tập golf không phép?; Hoài Đức: Dự án bị ‘xẻ thịt’ thành sân tập golf vào diện thanh tra. Các bài viết phản ánh việc Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc dùng hàng nghìn m2 đất thực hiện dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) để làm sân tập golf.
Chủ tịch HĐTQ Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc Nguyễn Trọng Thông. Ảnh: http://anlac.vn/. |
Theo khảo sát của PV trong sáng 12/3/2020, sân tập golf này vẫn bất chấp pháp luật, ngang nhiên hoạt động. Nơi tập golf được dựng 2 tầng rất kiên cố bằng khung sắt có mái che với 56 làn đánh và có độ dài theo quảng cáo là lên đến 300 yard.
Đươc biết, Công ty Cổ Phần đầu tư An Lạc được thành lập từ năm 2002, người đứng đầu Công ty An Lạc là ông Nguyễn Trọng Thông. Hiện tại, ông Nguyễn Trọng Thông cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hà Đô Group.
Trao đổi với PV ông, Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc đầu tư của Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc cho biết: “Bên mình làm sân tập golf này cũng lâu rồi, từ năm 2015. Giai đoạn đó quy hoạch đang bị dừng, toàn bộ dự án trên đất của tỉnh Hà Tây (Hà Tây cũ-PV) phải điều chỉnh. Dự án của mình dừng lâu qua thì sợ nó hoang hóa, cỏ mọc rất nhiều mà hạ tầng làm xong rồi”.
Ông Thái Sơn khẳng định không cho thuê ngoài. Khi phóng viên khẳng định có người ngoài vào chơi vào thì ông Sơn lại nói rằng: “Quanh quanh ở đó đến chơi vui”. Phóng viên một lần nữa khẳng định việc người ngoài vào chơi có thu tiền thì bà Phạm Hoàng Yến, Trưởng phòng Hành chính của Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc nói: “Tất nhiên là sân tập golf mở lên cho cán bộ đánh, có người vào đánh thì không thể phục vụ miễn phí được”.
Bên trong sân golf trái phép. |
Khi phóng viên đặt câu hỏi việc xây dựng sân tập golf, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc có xin ý kiến cơ quan chức năng không, ông Sơn trả lời không thẳng vào câu hỏi: “Đây là cái nhà tạm. Hơn nữa bên mình làm trên đất cây xanh nên không ảnh hưởng đến công trình nhà ở”.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi việc lấy đất dự án để xây dựng sân tập golf để thu tiền, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc có phải là hành vi sử dụng đất sai mục đích hay không thì bà Yến cho biết: “Trên quan điểm công ty, mình không thể trả lời là như thế nào được”.
Với 52 làn đánh, mở cửa từ 6h sáng đến 22h tối, vậy 5 năm qua sân tập golf này đã thu được bao nhiêu tiền từ những người chơi? Số tiền này đã chảy vào túi ai? Dư luận đặt câu hỏi có hay không việc trục lợi từ đất dự án?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.