Cuộc sống địa ngục của cô gái bị ép cưới từ năm 13 tuổi, bị chồng đánh đập, cưỡng hiếp
Bị ép gả cho anh họ khi mới 13, bị cưỡng hiếp, đánh đập và dùng như công cụ lấy thẻ xanh là những ký ức ám ảnh Naila Amin.
Thống đốc New York Andrew Cuomo đã thông qua Luật Naila, đặt theo tên một nạn nhân của hủ tục tảo hôn, Naila Amin. Amin, mang hai quốc tịch Mỹ và Pakistan, di cư đến Mỹ năm 4 tuổi và sống cùng gia đình ở Queens, New York. "Tôi đã bị gia đình đính hôn với anh họ từ năm 8 tuổi. Chẳng ai hỏi rằng tôi có muốn như thế hay không", cô nói.
Năm 13 tuổi, thay vì đi học, Amin phải đến Pakistan để chuẩn bị kết hôn theo nghi thức của người Hồi giáo Nikah mà không cần đăng ký. Khi đó, cô bị ép gả cho người anh họ 26 tuổi Tariq.
Ngay sau đó, cha của Amin vội vàng lo thủ tục để Tariq được cấp visa, bước đầu trở thành công dân Mỹ. "Với họ, tôi chỉ là một tấm thẻ xanh", cô nhớ lại. Amin từng ước có ai đó ngăn cản họ kết hôn vì cô chưa đủ tuổi, nhưng không ai lên tiếng, vì luật pháp ở đó quy định con cái ở tuổi 14 đã có thể kết hôn nếu có sự đồng ý của bố mẹ.
Vào thời điểm đó, Amin vẫn còn học trung học. Bất chấp quyết định "ép duyên" của cha mẹ, cô vẫn hẹn hò cùng một cậu bạn học người Mỹ. Biết chuyện, hai người đó đã đánh đập Amin dã man và còng chân cô trong nhà.
Năm 15 tuổi, Amin bị đưa đến Pakistan để chung sống cùng gã chồng 28 tuổi. Khi cô nhận ra mình không còn đường quay về Mỹ thì đã muộn. "Tôi bị ép phải sống với kẻ cưỡng hiếp mình. Ngày kết hôn cũng là đám tang cho 'tôi' của quá khứ", cô nói.
Trong suốt 5 tháng ở Pakistan, ngày nào Amin cũng bị đánh đập như nô lệ và xâm hại tình dục. Cô đã cố trốn đi 2 lần, nhưng đều bị bắt trở về và tịch thu điện thoại, hộ chiếu. Nhờ sự giúp đỡ của một người chú, cô thành công liên lạc với nhân viên xã hội, khiến họ bắt giữ mẹ mình với cáo buộc bắt cóc.
Ở độ tuổi ngoài 20, Amin đã trải qua điều trị tâm lý và quyết định giúp đỡ những đứa trẻ khác. Năm 2016, cô thành lập The Naila Amin Foundation, tổ chức chống nạn tảo hôn. Năm 2008, cô đã khiến New Jersey nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu lên 18. Mùa hè năm nay, New York cũng ban hành điều luận tương tự.