Đề nghị giữ quy định giá trần, không áp giá sàn với giá vé máy bay
Ngày 15/5, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và không quy định giá sàn đối với dịch vụ hàng không.
Tại phiên họp, về giá dịch vụ hàng không, nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và không quy định giá sàn đối với dịch vụ hàng không. Đồng thời đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về thẩm định giá, quy định về tiêu chuẩn của thẩm định viên, quyền hạn trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, quy định giá dịch vụ hàng không hiện còn có ý kiến khác nhau về việc quy định giá trần và giá sàn. Bà Mai cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án bảo đảm khách quan, khả thi, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ cho người tiêu dùng, đồng thời hài hòa lợi ích các bên để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Trước đó, tại phiên thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) đầu tháng 4, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị không chỉ quy định mức giá trần, mà cần quy định cả “giá tối thiểu” vé hàng không nội địa. Theo đó, giá vé máy bay “0 đồng” dù có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại không tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không. Nếu không quy định giá trần và giá tối thiểu, sẽ dẫn tới “mạnh ai nấy làm”.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục duy trì quy định Quỹ này trong Luật, cần hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập, nguồn hình thành, thời gian hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.
Liên quan đến hiệu lực thi hành, dự thảo luật đã trình Quốc hội cho ý kiến đề xuất thời hạn hiệu lực là từ 01/01/2024. Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, công tác quản lý giá liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên phạm vi cả nước. Do đó, để đảm bảo tính khả thi trong khâu triển khai, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Giá sửa đổi từ ngày 01/7/2024.
Dự án Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ được trình ra Kỳ họp thứ 5 tới. Hiện, dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật này được chuẩn bị kỹ lưỡng với hơn 90 trang.