Đề xuất điều chỉnh quy định về xe tập lái, giáo viên dạy lái xe
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất xe tập lái hạng B1, B2 và KB có niên hạn không quá 20 năm, tính từ năm sản xuất; giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ GTVT cho biết, Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô chở hàng và ô tô chở người (gọi tắt là ô tô), xe tập lái và xe sát hạch hạng C có niên hạn sử dụng không quá 25 năm và xe tập lái và xe sát hạch hạng D và E có niên hạn sử dụng không quá 20 năm. Trong khi hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nên Bộ GTVT cho rằng cần xem xét quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B để đảm bảo tính đồng nhất.
Việc bổ sung niên hạn xe tập lái và xe sát hạch nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ nói chung; nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe và thực hiện cam kết của Việt Nam đang cắt giảm khí thải để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Tại dự thảo vừa gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định: Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo. Xe tập lái hạng B1, B2 và KB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, KC, D, E, KD và KE có niên hạn theo quy định tại Nghị định 95/2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô chở hàng và ô tô chở người.
Sân tập lái thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo; được xây dựng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và theo quy định pháp luật về xây dựng. Xe tập lái các hạng phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái.
Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe thì có thể được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe.
Ngoài ra, về tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, Bộ GTVT đề xuất bổ sung tiêu chuẩn chung: "Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp". Sở GTVT cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý hoặc các cá nhân.Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bị thu hồi trong các trường hợp: Có hành vi gian lận để được tham dự tập huấn và kiểm tra để được Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe; do cơ quan không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; cho người khác thuê, mượn để sử dụng…