Đề xuất mới về tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu của cán bộ, công chức
Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ này đã đề xuất quy định, lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng để tính lương hưu, trợ cấp một lần.
Ảnh minh họa.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 27- NQ/TW. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Trường hợp trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, người lao động có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối, thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội liền kề tương ứng với số năm quy định để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 03/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 03/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 03/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 đến ngày 03/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2020 đến ngày 03/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được tính theo tiền lương của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu, và việc điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ hưu.
Lý giải điều này, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, quy định này sẽ không còn phù hợp khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Cho nên tiền lương có thể có những thay đổi đột biến, nên nếu tính lương hưu trên tiền lương của một số năm cuối có sự thay đổi đột biến là không phù hợp và phát sinh bất cập lớn giữa những người nghỉ hưu xung quanh khoảng thời gian trước và sau thời điểm cải cách.