Đề xuất người giúp việc gia đình được nghỉ 4 ngày/tháng
Dự thảo quy định trách nhiệm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cho người lao động, ít nhất nghỉ 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng. Theo Điều 111, Bộ luật Lao động, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.
Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo khoản 2 điều 161 của bộ luật Lao động năm 2019 để phù hợp với đặc thù của lao động giúp việc gia đình, gắn với yêu cầu thực tiễn.
Theo Bộ LĐTB&XH, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều quy định đối với người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có người lao động và người sử dụng lao động giúp việc gia đình khác với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, một số nội dung đến nay không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: chưa có mẫu hợp đồng lao động để hai bên áp dụng được thuận lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chưa quy định linh hoạt với tính chất đặc thù của lao động giúp việc gia đình, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý lao động giúp việc gia đình…
Vì vậy, theo Bộ LĐTB&XH, cần thiết phải ban hành nghị định để quy định cụ thể việc áp dụng các nội dung của Bộ luật Lao động phù hợp với đặc thù của lao động giúp việc gia đình, gắn với yêu cầu thực tiễn; thúc đẩy phát triển thị trường lao động trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đồng thời tạo thuận lợi cho việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên khi thuê mướn và sử dụng lao động giúp việc gia đình trong cơ chế thị trường.
Dự thảo tập trung quy định cụ thể một số nội dung đặc thù áp dụng đối với lao động giúp việc gia đình, trong đó, hình thức hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản theo quy định tại Khoản 1, Điều 162 của Bộ luật Lao động. Dự thảo cũng quy định mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương ghi trong hợp đồng lao động.
Trước khi ký kết hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động, trong đó người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về số lượng thành viên trong hộ gia đình, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động.
Dự thảo quy định trách nhiệm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cho người lao động, ít nhất nghỉ 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng. Theo Điều 111, Bộ luật Lao động, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.
Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Dự thảo cũng quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động.
Khi xảy ra tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thì hai bên cùng nhau thương lượng, giải quyết; trường hợp không giải quyết được thì có thể yêu cầu hòa giải viên lao động hoặc Hội đồng trọng tài lao động, tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Dự thảo đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đến hết ngày 27/7/2020.