Đề xuất thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước
Theo thông tin từ đại diện Bộ Tư pháp, Cục Phòng chống rửa tiền được đề xuất trở thành đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có liên quan đến đơn vị thực hiện phòng, chống rửa tiền. Theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước (chủ trì soạn thảo), cơ quan phòng chống rửa tiền phải làm nhiệm vụ tách biệt về phòng chống rửa tiền, hạn chế có thêm các chức năng khác không liên quan trực tiếp cũng như có thêm tầng trung gian kiểm soát để đảm bảo độc lập trong hoạt động.
Cục Phòng, chống rửa tiền hoạt động theo mô hình đơn vị cấp Cục thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như hiện nay bị đánh giá "chưa đảm bảo tính độc lập trong hoạt động". Do đó, tổ chức lại Cục Phòng, chống rửa tiền thành đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước được cho là yêu cầu cần thiết và cấp bách để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền), tuân thủ nghĩa vụ thành viên trong APG (Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền)…
Trước đó, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền trên cơ sở tổ chức lại Cục này thành đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện khoản 1 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng không thực hiện chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.
Để việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không tăng thêm đầu mối và biên chế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sáp nhập Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính với Vụ Dự báo, thống kê thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính. Sau sắp xếp, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên số lượng 25 đầu mối đơn vị như Nghị định số 102/2022/NĐ-CP của Chính phủ...