Đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn với người gây tai nạn giao thông nghiêm trọng
Cử tri đề nghị cần bổ sung quy định việc tước bằng lái vĩnh viễn và cấm điều khiển các loại phương tiện giao thông đối với người vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, tạo sự răn đe, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Ảnh minh họa.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương việc bổ sung các quy định góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông.
Theo đó, cử tri tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình tai nạn giao thông hiện nay diễn biến còn phức tạp. Các vụ tai nạn giao thông đa phần xuất phát từ ý thức điều khiển phương tiện giao thông của người tham gia giao thông còn kém như vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không chấp hành tín hiệu đèn, biển báo giao thông… Bên cạnh đó, cử tri cho rằng mức xử phạt còn chưa đủ răn đe đối với một số tình huống vi phạm.
Cử tri đề nghị cần bổ sung quy định việc tước bằng lái vĩnh viễn và cấm điều khiển các loại phương tiện giao thông đối với người vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, tạo sự răn đe, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an để đồng thời cùng hoàn thiện hai dự án Luật (dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ) theo chỉ đạo của Chính phủ để trình Quốc hội. Trong đó, dự thảo hai luật đã có quy định chi tiết những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Điều 9 dự thảo Luật Đường bộ) tạo sự răn đe, thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Khi được Quốc hội thông qua hai dự án Luật nêu trên, Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp để xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, Bộ GTVT nhấn mạnh, đề xuất của cử tri sẽ được nghiên cứu, cụ thể hóa trong các quy định của Nghị định, Thông tư để bảo đảm tính răn đe và hướng dẫn đúng quy định của pháp luật.