Đề xuất ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư để chặn tín dụng đen
Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đề xuất tháo gỡ pháp lý, ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đánh giá khả tín khách hàng vay, qua đó chặn tín dụng đen, hạn chế tội phạm.
Ảnh minh họa.
Ngày 07/8, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo "Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay".
Theo đó, phát biểu tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an triển khai, xây dựng và đưa vào vận hành, quản lý hơn 104 triệu dữ liệu công dân trên toàn quốc, đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống và được đồng bộ, liên thông với 15 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 63 tỉnh, thành.
Cùng đó, Bộ Công an đã hoàn thành cấp căn cước công dân điện tử cho người từ đủ 14 tuổi và xây dựng hệ thống định danh, xác thực điện tử, phổ cập danh tính số, tài khoản định danh cho 55,4 triệu công dân.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, việc khai thác dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đã đem lại nhiều tiện ích, xóa bỏ các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, mang lại hiệu ứng lan tỏa khắp các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, việc dùng dữ liệu số cũng tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, do tái sử dụng được dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, giảm việc gặp trực tiếp, qua đó giảm tham nhũng vặt.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 với 11 nhiệm vụ và 35 nội dung trong kế hoạch phối hợp giữa hai đơn vị. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ hiện đại nhưng mới chỉ ở mức công cụ; các ngân hàng và tổ chức tín dụng thiếu thông tin, dữ liệu để ra quyết định cho vay, do đó việc vay vốn còn nhiều khó khăn, dẫn đến tín dụng đen tồn tại.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 03 năm (2019 - 2022), lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 2.700 vụ, hơn 4.900 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; đã khởi tố, điều tra hơn 1.500 vụ, với hơn 3.300 bị can.
Riêng về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", đã tiếp nhận, phát hiện hơn 1.5900 vụ, hơn 2.700 đối tượng; đã khởi tố hơn 1.000 vụ với hơn 2.000 bị can...
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, để xảy ra tình trạng này là do các ngân hàng không có cơ sở đánh giá xác định đối tượng cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, thiếu cơ chế quản lý nhà nước về kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân.
Do đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) triển khai đánh giá khả tín khách hành vay trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với 18 trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với độ chính xác cao.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cho biết, qua thử nghiệm đã khẳng định 05 giá trị mà giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay dựa trên nền tảng dữ liệu dân cư mang lại như minh bạch, văn minh, phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay trên nền tảng dữ liệu dân cư còn nhiều khó khăn về pháp lý, hạ tầng, công nghệ, nguồn lực và chi phí.
Do đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đề xuất Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) có văn bản hướng dẫn tháo gỡ pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân để đảm bảo triển khai dịch vụ này theo đúng quy định hiện hành.
Đồng thời, đề xuất Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) rà soát, bổ sung sản phẩm dịch vụ đánh giá khả tín khách hàng vay có đảm bảo phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 08/2022 của Bộ Công an.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng đề xuất lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm dịch vụ này như một điều kiện bắt buộc để triển khai các gói vay, giải ngân các nguồn vốn để người dân được tiếp cận.