Dinh tỉnh trưởng Gò Công (nhà ở của Chánh tham biện Gò Công), được xây dựng theo kiến trúc Pháp vào năm 1885 với vật liệu mang từ Pháp sang. Ngoài Sài Gòn, Dinh tỉnh trưởng Gò Công là một trong những dinh tỉnh trưởng được xây dựng đầu tiên và cũng là lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ, với lối kiến trúc Pháp nổi bật…
Công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2012. Trải qua 140 năm tồn tại, Dinh tỉnh trưởng Gò Công đã xuống cấp trầm trọng.

Dinh tỉnh trưởng Gò Công tồn tại gần 140 năm, nay xuống cấp trầm trọng.
Theo tài liệu lưu trữ, tháng 4/1979, huyện Gò Công chia thành 2 huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây. Cơ quan Huyện ủy Gò Công Đông vẫn lấy “Dinh tỉnh trưởng” làm trụ sở của cơ quan Huyện ủy cho tới khi trụ sở Huyện ủy Gò Công Đông ở Tân Hòa được xây xong. Khi Dinh tỉnh trưởng tròn 100 tuổi thì được tạm ngưng sử dụng làm cơ quan và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng…
Trước yêu cầu cấp thiết phải khôi phục, duy trì công trình mang tính chất kiến trúc nghệ thuật lịch sử để lại, đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương từ góc độ bảo tồn di tích văn hóa…, đã xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh nội dung: Trùng tu, tôn tạo hay là phục hồi, xây dựng mới trên cơ sở giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích?

Thông tin về “Dự án nâng cấp di tích kiến trúc Dinh tỉnh trưởng”
Anh Lê Thanh Toàn, một du khách đến từ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nói: “Được nhiều lần đến quê hương Gò Công, tôi thật sự yêu thích với vẻ đẹp hiện đại với nhiều kiến trúc xưa ghi đậm dấu ấn vùng đất và con người Gò Công. Khi tôi đến tham quan Dinh tỉnh trưởng ở đường Nguyễn Văn Côn trông rất cũ kỹ, xuống cấp. Vì thế, việc thi công chỉnh trang, phục hồi lại Dinh tỉnh trưởng là điều đáng ghi nhận và khen ngợi…”.

Anh Lê Thanh Toàn và NSND Thế Hiển (khi còn là NSƯT) trong một lần đến thăm quê hương Gò Công.
Chị Đỗ Thị Bích Thủy, ngụ ở huyện Gò Công Đông, phấn khởi nói: “Nhà tôi tuy thuộc huyện Gò Công Đông nhưng sát bên thị xã Gò Công, hầu như tuần nào gia đình tôi cũng đến thị xã Gò Công tham quan, vui chơi, ăn uống,… Và từng đến Dinh tỉnh trưởng nằm sát bên Trung tâm Tổ chức sự kiện thị xã Gò Công, nơi đây ngưng đón khách tham quan hơn 1 năm qua vì đã xuống cấp. Nay tôi được biết thị xã tiến hành xây dựng lại khu di tích Dinh tỉnh trưởng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân ở khu vực Gò Công, thật sự rất vui mừng…”.

Chị Đỗ Thị Bích Thủy.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, một người dân sống ở phường 3, thị xã Gò Công, cho biết: “Bản thân tôi và đông đảo người dân thị xã rất vui mừng khi di tích văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển Gò Công là Dinh tỉnh trưởng được chính quyền các cấp quan tâm, tu bổ, phục hồi,… Hiện nay ai cũng biết Dinh tỉnh trưởng đã xuống cấp nghiêm trọng, nên cần phải phục hồi lại nhưng đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích thì sẽ bền vững hơn, so với tu bổ, tôn tạo…”.

Gò Công (Tiền Giang) từng được mệnh danh là vùng đất của những công trình kiến trúc cổ đặc sắc, có thể kể đến là: Nhà Đốc Phú Hải- nơi sinh sống của các thế hệ quan lại và địa chủ thời trước; Dinh tỉnh trưởng Gò Công; Di tích lăng mộ và đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định; Di tích Lăng mộ Hoàng Gia- nơi yên nghỉ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại vua Tự Đức) cùng những người khác thuộc dòng họ Phạm Đăng,…