Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 11/04/2020 01:47 (GMT+7)

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ như thế nào?

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ hướng dẫn, phê duyệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 là gì? Sau khi hết dịch doanh nghiệp không bố trí được đúng công việc, doanh nghiệp có thể tạm hoãn hợp đồng lao động, không trả lương và không đóng BHXH cho người lao động được không, việc này có trái với quy định của pháp luật không? Bạn đọc T. Liễu (Việt Trì, Phú Thọ).

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ như thế nào?

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt.

Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động..

Ngoài các quy định của pháp luật đã có để giúp các doanh nghiệp một phần giải quyết các khó khăn thì Chính phủ đã phê duyệt một số phương án giải quyết giúp đỡ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Các chính sách hỗ trợ được Chính phủ hướng dẫn, phê duyệt để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Không dừng lại ở đó, hiện nay các bộ đang tiến hành xem xét, trình Quốc hội một số chính sách để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch.

Các nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng bộ, ngành. Trong đó, nhiều chi phí được đề xuất xem xét cắt giảm hơn nữa. Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4/2020 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; tạm thời giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020; xem xét việc hoàn thuế VAT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch Covid-19 như hàng không, du lịch.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc trả các khoản vay trước dịch Covid-19 do nguồn thu bị giảm mạnh. Cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho: các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19 (doanh thu quý I và quý II/2020 giảm trên 50%, có số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 100 lao động, nộp ngân sách cao), thời hạn vay từ 6 – 9 tháng thông qua các ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay từ 3 – 6 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, báo cáo Chính phủ thực hiện áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ…

Ngoài ra, theo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành thì người sử dụng lao động, doanh nghiệp có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Sau khi hết dịch doanh nghiệp không bố trí được đúng công việc, doanh nghiệp có thể tạm hoãn hợp đồng lao động, không trả lương và không đóng BHXH cho người lao động được không, việc này có trái với quy định của pháp luật không?

Theo Luật sư Tùng, căn cứ theo quy định về luật Bảo hiểm xã hội, các hướng dẫn liên ngành về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 thì điều kiện đề người sử dụng lao động khôn đóng BHXH khi:

  • Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.
  • Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

“Do đó, việc người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, ngừng trả lương với người lao động vốn là sự thỏa thuận giữa hai bên nhưng bản chất thì hợp đồng lao động vẫn tồn tại, chưa chấm dứt. Do vậy nếu chỉ căn cứ vào thỏa thuận nêu trên mà dừng đóng BHXH cho người lao động là trái quy định của pháp luật. Để tạm dừng đóng BHXH thì doanh nghiệp phải đáp ứng một trong 2 điều kiện đã nêu”, Luật sư Tùng cho biết.

Cùng chuyên mục

Habeco thiếu tiền mặt để nộp phạt hành vi vi phạm về thuế?
Vi phạm hành chính về thuế, Habeco bị phạt, truy thu và buộc nộp đủ tiền chậm nộp tiền thuế tính đến hết ngày 3/1/2024 là 19,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày 31/3/2024, lượng tiền mặt của Habeco rất thấp, không đủ để nộp toàn bộ số tiền phạt này.
Xây dựng Hòa Bình lý giải nguyên nhân lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán
Sự chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán và số liệu báo cáo tài chính do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tự lập giảm 333 tỷ đồng đã được giải trình chi tiết tới Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, theo thông cáo phát đi từ đơn vị này ngày 1/4/2024.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp “quen mặt' trúng loạt gói thầu tiền tỷ với tỉ lệ tiết kiệm gần bằng 0%
Tính chung, trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 5/2024, Công ty Thanh Hà đã trúng 7 gói thầu tại UBND xã Thanh Vân, tổng giá trị trúng thầu hơn 49 tỷ đồng. Thế nhưng, tất cả gói thầu này đều được Công ty Thanh Hà trúng thầu sát giá, với tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách gần như bằng 0%.