Đôi nét về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và chương trình Giỗ Tổ năm Nhâm Dần 2022
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 có chủ đề: Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương, được tổ chức quy mô cấp tỉnh.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương xuất hiện từ khi nào?
Theo những tài liệu cổ, thì hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương xuất hiện từ rất sớm, cách đây hơn 2000 năm. Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.
Theo đó, từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ hai (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ.
Vào năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về đây thăm viếng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 vẫn giữ nét cổ truyền, nhưng có nhiều đổi mới, phù hợp tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo dự thảo Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay có chủ đề: Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương, được tổ chức quy mô cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 sẽ tổ chức Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ vào mùng 06/3/2022 âm lịch và Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào mùng 10/3/2022 âm lịch.
Về phần hội, năm nay do tình hình của dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nên không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người mà tổ chức một số hoạt động có liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: Đánh trống đồng; đâm đuống; diễn xướng Hát Xoan tại các Làng Xoan cổ; múa rối nước; bơi chải truyền thống...
Đặc biệt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 sẽ không tổ chức các hoạt động như: Hội chợ Hùng Vương; Giải Bóng chuyền Cúp Hùng Vương; Lễ hội đường phố… Các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức tại Phú Thọ dịp này sẽ tạm dừng đến thời điểm phù hợp.