Đổi tiền lẻ, tiền mới 'ăn' chênh lệch có bị xử phạt?
Theo Luật sư, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi mà không thuộc trường hợp được phép đổi tiền theo quy định có thể coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nở rộ dịch vụ chuyển đổi tiền lẻ, tiền mới ăn chênh lệch
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện các bài đăng dịch vụ, hội nhóm chuyển đổi tiền lẻ, tiền mới để ăn chênh lệch. Theo thông tin từ các bài đăng, mức phí đổi tiền lẻ dao động từ 3-20% tùy mệnh giá. Cụ thể, phí đổi tiền lẻ có mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng thường là là 20%; mệnh giá tiền 5.000 đồng mất phí 12%; tiền mệnh giá 10.000 - 50.000 tính phí 5%; tiền 100.000 - 200.000 - 500.000 đồng phí 3-5%...
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, nhiều trang mạng còn quảng cáo đổi cả đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền.
Thực tế việc đổi tiền lẻ, tiền mới nhằm ăn chênh lệch mỗi dịp Tết nở rộ trên mạng xã hội gần đây không còn là vấn đề mới. Tại các Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 và Công điện số 1436/CĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ trước đó đều yêu cầu rõ việc Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm vấn đề đổi tiền không đúng quy định này.
Công điện 01/CĐ-NHNN mới đây của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng trên.
Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này vẫn diễn ra khá sôi động bất chấp lệnh cấm từ cơ quan chức năng.
Đổi tiền lẻ, tiền mới 'ăn' chênh lệch có bị phạt không?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay pháp luật chỉ quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 02/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo quy định tại Thông tư này thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
Chính vì vậy, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi mà không thuộc trường hợp được phép đổi tiền theo quy định có thể coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Cũng theo Luật sư, đối với hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định này.