Đông Anh: Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn vẫn bị phản đối quyết liệt
Về Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, người dân vẫn phản đối quyết liệt, quyết sẽ đấu tranh đến cùng vì môi trường và đời sống của họ.
Cách đây hơn 2 tháng, chúng tôi đã đăng loạt bài về phản ứng của người dân thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội đối với chủ trương của UBND TP Hà Nội cho phép Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng tại đây. Trong khi chưa nhận được hồi âm của các bên liên quan thì toà soạn lại nhận được đơn kêu cứu có chữ ký của hàng chục hộ dân thôn Lý Nhân, xã Dục Tú bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của Dự án này, khi các cấp chính quyền ở đây cho phép doanh nghiệp thí điểm sử dụng gần 5.000m2 đất và họ đang quây tường rào ở đây.
Có mặt tại hiện trường khu đất, chúng tôi tận mắt thấy những hàng gạch vừa được xây lên bao quanh từng ô đất chừng vài chục mét vuông. Dụng cụ và vật liệu xây dựng gạch, cát chất đống ngổn ngang.Theo bà con, trong những ngày gần đây, Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương (gọi tắt là Công ty Bình Dương) ráo riết cho người xây tường rào bao quanh, chia khu đất gần 5.000 m2 Khu I13 (đồng Chằm) thuộc thôn Lý Nhân thành nhiều ô nhỏ (xem ảnh). Họ vô cùng bức xúc trước những động thái này của chủ dự án bởi, theo bà con, “đây là hành động lấn chiếm trái phép” đất của dân. Mặc dù địa điểm này đã được UBND huyện Đông Anh phê duyệt cho Công ty Bình Dương sử dụng để tập kết máy móc dây chuyền xử lý chất thải rắn thử nghiệm nhưng, như chúng tôi đã đề cập tại kỳ trước, phê duyệt này chưa có đủ cứ pháp lý, chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào thẩm định theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Chinh (ở thôn Lý Nhân) cho biết: “Thấy họ xây, chúng tôi chạy ra, mấy anh thợ nói làm cho Công ty Bình Dương. Chúng tôi nói: Các anh dừng lại đi, kẻo nay mai không thành, không đòi được tiền công đâu. Chúng tôi nhất quyết không cho ai bén mảng đến đây làm gì ảnh hưởng đến môi trường đâu. Nói vậy họ vẫn cứ xây, cả lúc nắng cũng như lúc mưa”.
Bà Vũ Thị Thanh (cũng ở thôn Lý Nhân) cho biết: “Chúng tôi kéo nhau lên chất vấn UBND xã, ông Tĩnh - Chủ tịch xã nói doanh nghiệp đã có phép của huyện. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói huyện chưa đối thoại với dân sao dám tự ý? Ông Tĩnh bảo đây là họ tập kết máy móc sản xuất thử...”. Đoạn bà Thanh tuyên bố với Chủ tịch Tĩnh: “Chúng tôi báo trước với các ông rồi, họ xây là chúng tôi phá đấy!”.
Trong vụ này, như đã đề cập, Công văn số 694, ngày 16/5/2019 của UBND huyện Đông Anh, do ông Nguyễn Xuân Linh ký cho phép Công ty Bình Dương “tạm thời sử dụng” gần 5.000 m2 đất tại xã Dục Tú để tập kết máy móc, dây chuyền xử lý chất thải rắn thử nghiệm là quá vội vàng, không đúng quy trình cũng như chưa đủ cơ sở pháp lý, thẩm định của các cơ quan chức năng chuyên môn.
Tại Điều 3 của Quyết định số 3983, ngày 03/8/2018 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính và UBND huyện Đông Anh cùng phối hợp thẩm định, kiểm tra dự án, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy trình, pháp luật. Như thế, nếu UBND huyện Đông Anh muốn cho phép doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và thí điểm sản xuất trên khu đất, cũng phải trải qua các bước thẩm định, chấp thuận của các ban ngành hữu quan nói trên để làm căn cứ mới có đủ cơ sở ra quyết định tam giao đất cho doanh nghiệp thử nghiệm sản xuất.
Đem câu chuyện này đối diện với ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chúng tôi được ông cho biết: “Vừa qua, xã đã có báo cáo lên huyện tình hình hầu hết cả nhân dân và đảng viên ở đây chưa đồng thuận với chủ trương triển khai dự án nói trên của UBND TP Hà Nội. Chúng tôi sẽ kiên trì thuyết phục dân, khi nào dân thực sự thấu hiểu lợi ích cũng như môi trường của dân được bảo đảm mới cho triển khai dự án”.
Biện pháp của chính quyền, theo ông, vẫn phải là đối thoại tiếp tục với dân. “Trong lần đối thoại tới, mời nhà báo về chứng kiến” - ông nói với phóng viên.
Về điểm nóng thu hồi đất triển khai dự án này, thay mặt UBND huyện Đông Anh, ông Hoàng Hải Đăng, Chánh Văn phòng cho biết: “Chúng tôi đã đọc các bài báo của các anh nói về những phản ứng của bà con ở xã Dục Tú về dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại đây. Thực ra, chúng tôi chỉ có ý tốt đem lại cho bà con một dự án giải quyết được nhiều vấn đề cả về tạo công ăn việc làm cũng như cải thiện cảnh quan, môi trường. Bà con chưa hiểu thì chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp kiên trì thuyết phục. Ở đây không có lợi ích nhóm nào hết”.
Nhân có nhà báo về thị sát tình hình triển khai dự án, bà con lại được dịp quây quanh cung cấp cho chúng tôi thêm một số tư liệu minh chứng cho sự lo ngại về ô nhiêm môi trường đã và đang hiện hữu trong dân. Đó là “gương tày liếp” ở Công ty CP Vật liệu xây dưng Cầu Đuống.
Ấy là nhằm vào ngày 24/01/2011, Ban Giám đốc Công ty này chỉ đạo cho người của họ tự ý đập tường rào của công ty, đổ đất, cát lấp hồ nuôi cá của thôn Lý Nhân, được thôn quản lý sử dụng từ năm 1990. Vụ này được bà con kể lại, công ty cho bảo vệ dùng súng AK đe doạ, đàn áp nhân dân khiến cho nỗi bất bình trong dân như đám lửa được đổ thêm dầu, bà con thêm sức mạnh giữ đất.
Sau đó, mặc dù Đảng ủy xã Dục Tú tổ chức 6 cuộc họp giữa thôn, xã, huyện, mời cả Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội về dự trong vòng 22 tháng vẫn không kết luận được đâu là đúng, sai. Trong khi đó, rành rành hiện ra trước mắt mọi người dấu vết tẩy xoá, sửa chữa rồi tự ý đóng dấu của UBND xã Dục Tú (không đúng thẩm quyền) lên tờ Trích lục bản đồ tỷ lệ 1:2000 do Sở Quản lý ruộng đất và đo đạc TP Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường bây giờ) lập ngày 20/12/1992 - một văn bản được coi là bảo bối để Công ty CP Vật liệu xây dựng Cầu Đuống trưng ra, biện minh với dân về hành vi đổ đất lấp ao nói trên. Hành vi tự ý sửa chữa số liệu trong hồ sơ địa chính nói trên của UBND xã Dục Tú đã được UBND TP giao cho Công an huyện Đông Anh điều tra, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến nay gần chục năm qua vẫn chưa ai bị xử lý trong vụ này.
Đất của Công ty CP Vật liệu xây dưng Cầu Đuống được cấp thực tế chỉ có hơn 6 hecta nhưng theo tấm bản đồ bị tẩy xoá này nó được “nở” ra tận hơn 9 hecta (?!). Để rồi, từ đó, thay mặt Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường do Phó Giám đốc Đỗ Ngọc Tước, đại diện, ký hợp đồng cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Cầu Đuống “thuê” hơn 9 hecta khống này trong thời hạn 20 năm, từ năm 1996-2016, trong đó có hơn 5,3 héc ta là hồ mặt nước do thôn Lý Nhân quản lý từ năm 1990. Do vậy, bản chất đây là hợp đồng cho thuê bất hợp pháp.
Và trên thực tế, trong nhiều năm qua, hết hạn của cái hợp đồng bất hợp pháp kia nhưng Công ty CP Vật liệu xây dưng Cầu Đuống không còn sản xuất nữa, cũng không trả lại đất cho dân mà mà lại ký “hợp đồng hợp tác” với Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng Hợp Thành mà thực chất là hợp đồng cho doanh nghiệp khác này thuê lại để đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông với công suất 2.500 m3/tháng. Trạm trộn bê tông này chưa hoàn tất thủ tục đăng ký bảo vệ môi trường vẫn đi vào sản xuất và ngày ngày gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân xung quanh.
Nhắc lại với chúng tôi những chuyện này, bà Tuyết (thôn Lý Nhân) muốn khẳng định ý chí quyết tâm của bà con ở đây, rằng: “Đợt này chúng tôi không nhân nhượng nữa mà sẽ đấu tranh đến cùng “bẩy” cả cái Trạm bê tông Hợp Thành đi, chứ không chỉ chặn đứng bước chân cái nhà ông Bình Dương kia đâu nhá”.