Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 02/11/2023 13:27 (GMT+7)

Dự báo số ca tử vong do đột quỵ trên thế giới có thể tăng 50% vào năm 2050

Một báo cáo mới từ Tổ chức Đột quỵ thế giới - Ủy ban Thần kinh Lancet dự báo số người chết vì đột quỵ trên toàn cầu sẽ tăng 50% vào năm 2050.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đột quỵ quốc tế dự đoán rằng số ca tử vong do đột quỵ trên toàn thế giới có thể tăng 50% vào năm 2050, là nguyên nhân khiến 9,7 triệu người chết mỗi năm.

Báo cáo được đăng tải trên tạp chí Lancet Neurology cho biết thanh niên và những người ở các nước thu nhập thấp và trung bình thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.

Báo cáo do các nhà nghiên cứu thuộc Nhóm Hợp tác Đột quỵ của Tổ chức Đột quỵ Thế giới-Ủy ban Thần kinh Lancet tiến hành, dự báo gánh nặng y tế toàn cầu “rất lớn” do đột quỵ và kêu gọi “các giải pháp thực tế” để giảm tình trạng y tế trên toàn thế giới.

Ngày nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới và gây ra tình trạng khuyết tật, mất trí nhớ và các vấn đề sức khỏe khác cho hàng triệu người mỗi năm.

Mặc dù đột quỵ là bệnh lý khá thường gặp hiện nay nhưng số ca tử vong lại phân bố không đồng đều, với 86% xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình, và số lượng người dưới 55 tuổi ngày càng tăng.

tm-img-alt
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới. Ảnh: Internet.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe được phân bổ không đồng đều, thiếu các chương trình phòng ngừa, môi trường ô nhiễm, các yếu tố về lối sống cùng những vấn đề khác là nguyên nhân gây ra số lượng tử vong do đột quỵ cao.

Theo báo cáo này, chi phí điều trị đột quỵ và thu nhập bị mất do đột quỵ sẽ tăng từ 891 tỷ USD mỗi năm vào năm 2017 lên tới 2.310 tỷ USD vào năm 2050.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bất chấp các mục tiêu quốc tế đầy tham vọng nhằm giảm các bệnh không lây nhiễm vào năm 2050, thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu này.

“Đột quỵ gây thiệt hại to lớn cho dân số thế giới, dẫn đến tử vong, thương tật vĩnh viễn cho hàng triệu người mỗi năm và gây thiệt hại hàng tỷ USD,” đồng Chủ tịch Ủy ban Thần kinh Lancet, ông Valery L. Feigin, thuộc Đại học Công nghệ Auckland ở New Zealand, cho biết.

“Những ước tính này cho thấy gánh nặng ngày càng tăng mà chúng ta sẽ thấy trong những năm tới trừ khi hành động khẩn cấp và hiệu quả được thực hiện.”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.

Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).

Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.

Dựa trên đánh giá này, các tác giả đã phát triển các khuyến nghị về 4 trụ cột: Giám sát, phòng ngừa, chăm sóc cấp tính và phục hồi chức năng. Đối với mỗi trụ cột, đề xuất các giải pháp thực tế để thực hiện các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, nhằm giảm gánh nặng đột quỵ toàn cầu, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Thực hiện các chiến lược phòng ngừa đột quỵ nguyên phát và thứ phát cũng như các dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cấp tính dựa trên bằng chứng là rất cần thiết.

Các biện pháp hỗ trợ mục tiêu này bao gồm:

- Thiết lập hệ thống để theo dõi và đánh giá gánh nặng của đột quỵ (và các yếu tố nguy cơ của nó) và các dịch vụ đột quỵ ở cấp quốc gia;

- Thực hiện các chiến lược phòng ngừa tổng hợp ở cấp độ cộng đồng và cấp độ cá nhân cho những người có nguy cơ mắc bệnh mạch máu não cao hơn, trong đó nhấn mạnh vào việc phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tăng huyết áp;

- Lập kế hoạch và cung cấp các dịch vụ chăm sóc đột quỵ cấp tính, bao gồm việc thành lập các đơn vị đột quỵ, có khả năng tiếp cận các liệu pháp tái tưới máu (cho đột quỵ do thiếu máu cục bộ) và đào tạo, xây dựng năng lực và giám sát các chỉ số chất lượng cho các dịch vụ này trên toàn quốc, khu vực và toàn cầu;

- Thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc đột quỵ liên ngành, đào tạo người chăm sóc và nâng cao năng lực cho nhân viên y tế cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng sau đột quỵ...

Nếu các khuyến nghị được thực hiện, gánh nặng đột quỵ sẽ giảm đáng kể trên toàn thế giới vào năm 2031 và hơn thế nữa.

Cùng chuyên mục

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.

Tin mới