Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 23/11/2020 00:33 (GMT+7)

Đưa ra quyết định hiểm hóc giữa nguy cơ rời Nhà Trắng: Ông Trump 'bắn 1 phát đạn trúng 2 mục tiêu'?

Động cơ nào thúc đẩy Tổng thống D. Trump quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Iraq và Somalia, ý nghĩa của nó đối với bên trong và bên ngoài nước Mỹ là gì?

Ngày 17/11/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút bớt quân Mỹ khỏi Afghanistan, Iraq và Somalia. Theo kế hoạch này, 2 nghìn quân Mỹ có thể được rút khỏi Afghanistan và 500 binh sỹ khỏi Iraq, chỉ để lại mỗi nước 2,5 nghìn quân.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, Tổng thống D. Trump cũng đã quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Somalia. Chiến dịch này sẽ phải hoàn tất trước ngày 15/1/2021, tức 5 ngày trước khi ông D. Trump phải chuyển giao chính quyền cho Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ, đối thủ chính trị của ông, người có nhiều khả năng sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nói, ông D. Trump hy vọng tất cả các binh sỹ Mỹ ở Afghanistan và Iraq sẽ trở về nhà trước tháng 5/2021.

Ảnh: Reuters

Tại cuộc vận động tranh cử năm 2016, ông D. Trump đã hứa sẽ rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, thời điểm tuyên bố rút quân trong lúc tình hình ở hai quốc gia này chưa ổn định và các tổ chức khủng bố vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, đang đặt ra nhiều dấu hỏi.

Động cơ nào thúc đẩy Tổng thống D. Trump quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Iraq và Somalia, ý nghĩa của nó đối với bên trong và bên ngoài nước Mỹ là gì?

Liệu có phải Washington đã đạt được mục tiêu của mình sau gần 20 năm can thiệp quân sự vào các quốc gia này? Các nước liên quan, đặc biệt là các đồng minh trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhìn nhận quyết định này như thế nào?

Quyết định này có ảnh hưởng tới tình hình an ninh của các nước Mỹ rút quân nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung hay không?

01.

Phản ứng đối với quyết định rút quân của Mỹ

Người đứng đầu phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell cảnh báo chính quyền D. Trump về hậu quả của quyết định giảm mạnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Afghanistan có thể trở thành hang ổ của khủng bố quốc tế sau khi Mỹ vội vàng rút quân khỏi nước này.

Ngoại trưởng Đức Haiko Mass bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc giảm lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy Luigi Di Maio đề nghị xem xét liệu NATO có nên tiếp tục sứ mệnh của mình tại Afghanistan hay không.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói, ảnh hưởng của việc rút quân Mỹ khỏi các nước khu vực Trung Đông không lớn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iraq Fouad Husein khẳng định, số quân Mỹ Mỹ còn lại ở Iraq sẽ không phải là lực lượng chiến đấu.

Ảnh: Olivier Douliery / AFP

Việc chính quyền D. Trump đơn phương rút quân không có bất cứ sự phối hợp nào với các đồng minh của đã gây bất bình trong các thành viên NATO. Sau sự kiện 11/9/2001, lần đầu tiên kể từ khi thành lập năm 1949, NATO đã thực hiện điều 5 của Hiến chương về "phòng vệ tập thể" để hỗ trợ Mỹ, nghĩa là giúp đỡ đồng minh trong trường hợp bị bên thứ ba tấn công quân sự. Áp dụng nguyên tắc này, các quốc gia thành viên NATO đã tham gia cùng với Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng, việc Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Iraq mà không tham khảo ý kiến các nước thành viên NATO, bỏ mặc đồng minh ở lại đã vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương trong một sứ mệnh chung ở hai quốc gia này. 

Mỹ là thành viên quan trọng nhất của NATO mà không tuân thủ các nguyên tắc đã thỏa thuận, thì NATO không có tương lai. Không phải ngẫu nhiên, Tổng thống Pháp E. Macron nói "NATO đang chết lâm sàng".

02.

Ảnh hưởng của việc Mỹ rút quân

Có thể nói, chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã thất bại. Tình hình hiện nay trong khu vực thể hiện những tính toán sai lầm lớn của nền chính trị Mỹ. Chính quyền của Tổng thống D. Trump đã nhận ra cần thiết phải có một cách tiếp cận mới thực tế hơn để tránh những chi phí khổng lồ cho các kế hoạch chiến lược của mình ở Trung Đông, trước mắt là rút quân và giảm bớt sự có mặt của mình ở khu vực này.

Các cuộc chiến kéo dài gần 20 năm đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho cả hai nước. Đến nay vẫn không có một chính quyền nào đủ mạnh để có thể ngăn chặn được bạo lực ở cả Iraq và Afghanistan. Tình hình hiện nay vẫn vô cùng khó khăn, đất nước bị tàn phá, xung đột sắc tộc, khủng bố hoành hành, người dân hai quốc gia này vẫn không được hưởng cuộc sống hòa bình.

Trong tình hình như vậy, ngay trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông D. Trump đã hứa sẽ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, quyết định rút quân hiện nay khỏi hai quốc gia này, ông D. Trump muốn thể hiện quyết tâm sử dụng quyền lực của mình cho đến phút cuối cùng để thực hiện cam kết của mình.

Tuy nhiên, việc rút quân sớm của Mỹ trong khi tình hình ở Afghanistan và Iraq chưa ổn định, sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực, tạo điều kiện cho sự trở lại của các tổ chức khủng bố Al-Qaida và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Ở hai quốc gia này, dù sao quân Mỹ vẫn đóng vai trò gây áp lực, góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Nếu bây giờ người Mỹ đột ngột rút đi, các lực lượng này sẽ tìm cách quay trở lại và tăng cường ảnh hưởng của chúng. 

Tình hình tại Iraq và Syria là bằng chứng cho thấy khoảng trống quyền lực đã và đang tạo cơ hội cho các tổ chức khủng bố các lực lượng cực đoan khác trỗi dậy. Điều này gây nguy hại không chỉ cho Afghanistan và Iraq mà còn cho cả cộng đồng quốc tế.

03.

Một di sản khó khăn cho Biden

Khác với thông lệ, sau bầu cử và trước thời điểm chuyển giao chính quyền 20/1, các ứng cư viên Tổng thống thường tập trung vào các công việc trong nước, chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên, trong những ngày ít ỏi còn lại trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống D. Trump đã tăng cường các hoạt động đối ngoại.

Cùng với chuyến thăm đến một số khu định cư của Israel ở Bờ Tây và cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng, bất chấp lời khuyên của các tướng lĩnh quân đội và các thành viên chủ chốt của đảng Cộng hoà, Tổng thống D. Trump đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, đe dọa tấn công Iran... có thể được coi là "một phát đạn bắn trúng hai mục tiêu".

Thứ nhất, nếu thất cử, trước khi rời Nhà Trắng ông D. Trump muốn để lại một di sản khó khăn cho người kế nhiệm J. Biden. Để xem xét lại quyết định này, chắc chắn ông J. Biden sẽ phải cần rất nhiều sức lực và các thủ tục cần thiết để đạt được sự đồng thuận trong chính quyền. 

Các nhà phân tích chính trị dự đoán rằng, trước ngày chuyển giao chính quyền 20/1/2021, có thể sẽ còn xảy ra nhiều chuyện không ngờ khác nữa. Tổng thống D. Trump sẵn sàng làm mọi việc để làm hài lòng những người đã từng ủng hộ ông và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với họ sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng.

Thứ hai, nếu thắng cử nhiệm kỳ thứ hai, ngoài các tuyên bố hết sức cứng rắn chống Trung Quốc, căng thẳng với Nga, Iran, ủng hộ mạnh mẽ Israel, chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở... ông D. Trump muốn củng cố các thành quả ngoại giao của mình trong bốn năm cầm quyền, đồng thời để khẳng định sẽ tiếp tục chính sách trước sau như một của mình đối với những vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu.

Đến nay, với việc tiếp tục kiểm phiếu lại ở nhiều bang trên nước Mỹ, ông J. Biden đã thu được khoảng 80 triệu phiếu. Đây là số phiếu lớn nhất trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi ông D. Trump chỉ nhận được tới 74 triệu phiếu. 

Trong khi đó, ông J. Biden cũng được 306 phiếu đại cử tri, so với 232 phiếu của ông D. Trump. Với sự khác biệt số phiếu xa như vậy, nhiều khả năng Tổng thống D. Trump không thể lật ngược được thế cờ trong cuộc bầu cử trong nước, ông D. Trump đang tìm cách sắp xếp lại bàn cờ tại Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới.

Cùng chuyên mục

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Siêu bão Man-yi tấn công Philippines "có khả năng gây thảm họa"
Ngày 16/11, siêu bão Man-yi bắt đầu đổ bộ miền Trung Philippines với tốc độ gió tối đa là 195 km/giờ, với đường đi được cảnh báo "có khả năng gây thảm họa" tại quần đảo này. Đây là cơn bão lớn thứ 6 tấn công quốc đảo này trong vòng 1 tháng qua.

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...