Đừng bạc bẽo, hãy tôn trọng Ánh Viên!
Sự thất bại của thể thao Việt Nam ở Olympic 2020 khiến cho nhiều VĐV bị chỉ trích, trong đó có Ánh Viên nhận khá nhiều lời lẽ không hay.
Thể thao có đặc thù riêng và sự khắc nghiệt đôi khi quá tàn nhẫn dành cho VĐV. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng vùi dập VĐV đến tận cùng của nỗi đau. Ánh Viên là ví dụ điển hình.
Năm 2019, Saostar đã từng có một loạt bài nói về Ánh Viên từ sự đầu tư đến vinh quang, thất bại và sự hy sinh của một VĐV vì thể thao nước nhà. Đó cũng là thời điểm dự báo cho một sự đi xuống của siêu kình ngư người Cần Thơ và sự thất bại ở Olympic 2020 là chuyện đương nhiên.
Tôi dành sự trăn trở lớn là nên viết gì về Ánh Viên ở hiện tại. Nếu tiếp tục viết về sự thất bại của Ánh Viên thì liệu có công bằng với cô ấy? Tôi nghĩ không công bằng. Vì Ánh Viên bây giờ không còn có sự đầu tư lớn như Olympic 2016, không có HLV, không đi Mỹ tập huấn, không ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ánh Viên thua ở Olympic 2020 không phải là chủ đề để nói về cô ấy. Điều này là câu chuyện của những người quản lý thể thao Việt Nam.
Tôi cho rằng Ánh Viên xứng đáng nhận được sự tôn trọng chứ không phải thấu chịu lời lẽ chỉ trích, chê trách. Ánh Viên đã cống hiến cả thanh xuân cho thể thao nước nhà. Ánh Viên là biểu tượng của thể thao Việt Nam khi nói về thần tượng, sự thành công của một cô bé vùng quê "bơi ra biển lớn" và giá trị của VĐV có sức lan toả lớn cho giới trẻ.
Tôi nhớ sau SEA Games 2015, Ánh Viên trở thành "hiện tượng" tạo nên cơn sốt cho giới trẻ. 22h đêm, Ánh Viên về TPHCM thì có hàng trăm người vây kín ở sân bay Tân Sơn Nhất. Hôm đó, tôi đặt tên cho bài viết Ánh Viên ở sân bay là "tiếng nấc giữa biển người" khi ngay đến bố mẹ của kình ngư người Cân Thơ cũng không thể đến gần cô. Hình ảnh Ánh Viên xuất hiện ở mọi nơi, giao lưu với nhiều sinh viên ở TPHCM. Thậm chí, vinh quang của Ánh Viên còn trở thành chủ đề để nhiều người mong muốn các phụ huynh cho con đi học bơi, giúp cho các em nhỏ tránh được rủi ro chết đuối.
Đằng sau ánh hào quang của Ánh Viên là sự hy sinh với rất nhiều đánh đổi lớn. Ánh Viên xa quê với nhiều năm ở Mỹ để luyện tập, là nhiều cái Tết ở xứ người mà không được về nhà với bố mẹ... Đúng hơn, Ánh Viên "gánh" thành tích cho thể thao Việt Nam trong nhiều kì SEA Games bằng sự đánh đổi rất lớn của bản thân, còn người hâm mộ được vui sướng và bày tỏ niềm tự hào về VĐV Việt Nam làm nên những "cơn địa chấn" ở sân chơi khu vực.
Bây giờ Ánh Viên không còn ở đỉnh cao sự nghiệp thì chúng ta cần phải công bằng với kình ngư người Cần Thơ. "Các anh hùng bàn phím" đừng buông lời chỉ trích, phê phán. Và trước khi nói về Ánh Viên hay bất kì VĐV Việt Nam ở Olympic 2020, chúng ta cần đặt vào tư thế và sự đầu tư của thể thao nước nhà so với châu lục.
Và kình ngư người Cần Thơ xứng đáng được tôn vinh với tư thế một huyền thoại bơi lội của Đông Nam Á, là thần tượng của giới trẻ, là người truyền cảm hứng lớn để nhiều đứa trẻ tiếp bước trong tương lai. Ngược lại, chúng ta dành sự bạc bẽo với Ánh Viên thì quá nghiệt ngã, và chắc chắn nhiều phụ huynh chẳng dám cho con theo đuổi thể thao.
Nên nhớ, thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung, chúng ta nên nhìn về những giá trị tốt đẹp, sự cống hiến và sự truyền cảm hứng của "những người truyền lửa". Điều này có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của thể thao.