Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 07/02/2024 13:23 (GMT+7)

Giáo viên không bắt buộc phải trực Tết

Theo Luật sư, hiện nay chưa có quy định nào yêu cầu giáo viên phải đến trường trực Tết. Do đó, giáo viên không bắt buộc phải trực Tết và có thể từ chối nếu muốn.

Giáo viên không bắt buộc phải trực Tết
Ảnh minh họa.

Bên cạnh việc được thưởng Tết thì trực Tết là một trong những vấn đề đang được nhiều giáo viên để tâm hiện nay. Vậy, theo quy định pháp luật, việc trực Tết của giáo viên có bị yêu cầu bắt buộc hay không và nếu không muốn thì có quyền từ chối không?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết việc nghỉ Tết của giáo viên là quyền lợi chính đáng. Hiện nay, chưa có quy định nào yêu cầu giáo viên phải đến trường trực Tết. Do đó, giáo viên không bắt buộc phải trực Tết và có thể từ chối nếu muốn.

Theo Điều 13, Luật Viên chức 2010, giáo viên có quyền được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ hoặc nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật lao động. Tại khoản 1, Điều 112, Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 01 ngày Tết Dương lịch, 05 ngày tết Âm lịch.

Như vậy, nghỉ Tết là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động cũng như giáo viên. Nhà nước cũng không có quy định nào yêu cầu giáo viên phải đến trường trực Tết nên có thể từ chối việc này nếu muốn.

Cũng theo luật sư, trường hợp nếu giáo viên đồng ý đến trường trực Tết sẽ được coi là làm thêm giờ, có thể được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, theo khoản 2, Điều 12, Luật Viên chức.

Tại Điều 98, Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Cụ thể, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Việc yêu cầu giáo viên trực Tết khi họ không đồng ý là vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động và có thể bị phạt hành chính đến 25 triệu đồng, theo Điều 17, Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Cùng chuyên mục

Lối rẽ nào cho thí sinh trượt lớp 10 công lập?
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập là kỳ thi quan trọng, do đó nhiều thí sinh không tránh khỏi sự áp lực. Tuy nhiên, nếu không may trượt lớp 10, học sinh vẫn có nhiều lựa chọn khác để tiếp tục học tập và phát triển.

Tin mới

Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?