Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 25/04/2022 13:35 (GMT+7)

Gọi là nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo khi nào?

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, khi nào thì bị gọi nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo? Bạn đọc H.P. hỏi.

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định rõ người bị buộc tội chỉ được coi là người bị kết án khi bản án của Tòa án có hiệu lực. Tuy nhiên, việc buộc tội phải trải qua các giai đoạn tố tụng khác nhau và có nhiều cách gọi khác nhau đối với người bị buộc tội.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Cụ thể, từ trước giai đoạn khởi tố vụ án hình sự và trong giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm thì đối với những người bị người khác tố giác được gọi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Còn bị đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ thì được gọi là người bị tạm giữ theo Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Nghi can và nghi phạm là hai thuật ngữ khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp lý liên quan khác lại không có quy định về hai thuật ngữ này. Ở góc độ ngữ nghĩa, “nghi can” được hiểu là người bị nghi là có liên quan đến vụ án và thuộc trường hợp chưa bị bắt. Còn “nghi phạm” được hiểu là người bị nghi là tội phạm, có dấu hiệu của một tội phạm và đã bị lệnh bắt.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì "Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này".

Như vậy, đến giai đoạn khởi tố thì một cá nhân hoặc pháp nhân từ khi có quyết định khởi tố bị can sẽ được gọi là bị can. Nói cách khác, một người hoặc pháp nhân chỉ được coi là bị can khi có quyết định khởi tố. Quyết định này sẽ bao gồm các thông tin: thời gian, địa điểm ra quyết định khởi tố bị can; họ tên, ngày, tháng, năm sinh của bị can, tội phạm bị khởi tố; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm,...

Theo khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, trong giai đoạn xét xử, khi có quyết định của Toà án đưa bị can ra xét xử thì người hoặc pháp nhân mới được gọi là bị cáo. Nếu chưa có quyết định của Toà án đưa ra xét xử thì vẫn chưa được gọi là bị cáo, cho dù hồ sơ vụ án cùng bản cáo trạng quyết định truy tố đã được gửi cho Toà án.

Ngoài ra, khi bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật thì những người đó được gọi là người bị kết án. Trong trường hợp có quyết định thi hành án thì người bị kết án được gọi là người chấp hành án theo quy định tại Điều 3 Luật Thi hành án hình sự.

Vì vậy, tùy vào từng giai đoạn tố tụng thì có những tên gọi khác nhau đối với những người bị buộc tội nói chung và họ sẽ có những quyền và nghĩa vụ khác nhau tại mỗi giai đoạn này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự.

Cùng chuyên mục

Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?

Tin mới