Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 22/04/2024 14:20 (GMT+7)

Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm

Sáng 21/4, theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn TP vừa ghi nhận 1 ca mắc sởi. Đây là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận.

Đây là bé gái 10 tuổi, ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi.

Bệnh nhi nói trên khởi phát bệnh từ ngày 27/3, đến 12/4, xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính. Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Như vậy, đây là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024, dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá, trong năm 2024, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao. Thứ nhất, trong thời gian dịch Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi.

Thứ 2, trong năm ngoái có những lúc chúng ta thiếu vaccine sởi cục bộ.

Thứ 3, dù chúng ta có đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.

"Số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta hay nói 4-5 năm là 1 chu kỳ", TS Phu phân tích.

Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi (<3 tuổi). Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phế quản, viêm tai, tiêu chảy. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.

Trẻ em được sinh từ người mẹ trước đây đã bị bệnh sởi thì trẻ đó sẽ được miễn dịch thụ động do kháng thể mẹ truyền cho trong khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Điều này tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.

Lịch tiêm vaccine sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, bệnh sởi gây ra bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae lây lan nhanh qua đường hô hấp, không chỉ gây ra triệu chứng cấp tính mà còn có nguy cơ cao ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, tổn thương đa cơ quan, để lại nhiều biến chứng nặng nề suốt đời như viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc… Phụ nữ mang thai nếu mắc sởi có thể dẫn đến dị tật thai nhi, sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.

Người không có miễn dịch (không được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi) mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi thì gần như đều bị lây. Người ta vẫn nói "đi qua đầu giường của bệnh nhân sởi cũng có thể bị lây".

Trong lịch sử, thế giới đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch sởi. Gần đây nhất là vào năm 2014, dịch bùng phát trên toàn thế giới và cả tại nước ta.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trẻ em và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi rất dễ mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào. Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%. Do đó, tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Các chuyên gia cũng lưu ý, vaccine phòng sởi và vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella có khả năng bảo vệ cao trước bệnh. Trong đó, sau hai mũi vaccine sởi - quai bị - rubella, có hiệu quả 97% đối với bệnh sởi, khoảng 86% đối với bệnh quai bị và 89% đối với rubella. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella và thủy đậu trước khi có thai tốt nhất 3 tháng. Ngoài ra, đối tượng này cần chủ động tiêm vaccine phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván trong thai kỳ để bảo vệ con khi chưa đến tuổi tiêm ngừa.

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, với bệnh sởi, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ mắc, giảm biến chứng nặng. Trẻ được tiêm mũi 1 từ khi 9 tháng tuổi; tiêm mũi 2 khi trẻ 15-18 tháng tuổi; theo chu kỳ, khoảng 3 năm sau, trẻ có thể được tiêm nhắc lại để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. Với những trẻ đã hết tuổi tiêm vaccine phòng sởi, khi có dịch cần phải tiêm thì sẽ được chỉ định, và việc tiêm cần có chỉ định của nhân viên y tế.

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu nhận biết viêm gan C
Viêm gan C là một bệnh lây truyền qua đường máu. Viêm gan C nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan…
Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi
Trước tình hình bệnh sởi ngày càng gia tăng trong cộng đồng, ngày 27/8, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định công bố dịch sởi trên quy mô toàn Thành phố.

Tin mới

Bỏ hình thức thi đối với thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ 15/12/2024
Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT so với quy định cũ là không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.