Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 16/07/2022 07:25 (GMT+7)

Hà Nội và một số tỉnh thành xuất hiện hàng loạt ca mắc cúm A, viêm phổi, nhập viện khẩn

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm A có dấu hiệu gia tăng đột biến bao gồm cả trẻ em với tình trạng nặng, có tổn thương phổi, phải nhập viện điều trị.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, chỉ chưa đầy một tháng, BV đã phải chỉ định cho gần 100 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện theo dõi.

Hà Nội và một số tỉnh thành xuất hiện hàng loạt ca mắc cúm A, viêm phổi, nhập viện khẩn Ảnh 1
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: BV nhiệt đới Trung ương).

TS. BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương), cho biết trong vài tuần trở lại đây, khoa Nhi bệnh viện cũng tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng “bất thường” so với cùng thời điểm ở các năm trước.

Theo bác sĩ, mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát do vậy ban đầu các bác sĩ không nghĩ đến căn bệnh này. Tuy nhiên trong quá trình thăm khám thấy bệnh nhân có những biểu hiện rầm rộ và điển hình của bệnh cúm, các bác sỹ đã tiến hành thêm xét nghiệm khẳng định và đã phát hiện nhiều trẻ mắc cúm A.

“Cụ thể trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại Khoa Nhi bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A”, BS Thúy cho biết.

Theo các bác sĩ, bình thường vào mùa hè bệnh cúm mùa ít xuất hiện, rất hiếm khi mới gặp 1 ca bệnh, do thời tiết khô nóng không thích hợp về nhiệt độ, độ ấm cho cho virus cúm phát triển và gây bệnh. Loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm.

Lý giải tại sao bệnh cúm A xuất hiện “đột biến” thời gian gần đây, BS Thúy cho biết hiện nay thời tiết biến đổi bất thường có những nguyên nhân chưa lý giải hết được, chúng tôi ghi nhận số ca bệnh cúm tăng lên bất thường so với cùng thời điểm hàng năm, về tổng quan chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận.

Theo TS. BS Đặng Thị Thúy, cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9…

Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Hà Nội và một số tỉnh thành xuất hiện hàng loạt ca mắc cúm A, viêm phổi, nhập viện khẩn Ảnh 2
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A. (Ảnh: BV Bãi cháy Quảng Ninh).

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trong vài tuần vừa qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tại khoa Truyền nhiễm tăng vọt. Có trường hợp phải theo dõi đặc biệt.

Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, thời gian gần đây, người bệnh nhập viện vì cúm A tăng nhanh.

“Thông thường hàng năm, Bệnh viện chỉ tiếp nhận một vài ca nhưng thời điểm này đã lên hơn 5 ca nhập viên điều trị mỗi ngày, số lượng người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A đến khám tại phòng khám truyền nhiễm trung bình là 10 đến 20 trường hợp mỗi ngày”, bác sĩ Minh cho biết thêm.

Theo ThS.BS. Hà Huy Tình, các bệnh nhân cúm A nhập viện đều trong tình trạng sốt rất cao, mệt mỏi. Đặc biệt có bệnh nhân bị viêm phổi, bệnh nhân tập trung vào các nhóm người như trẻ em, người cao tuổi có bệnh lý nền.

“Khi có các biểu hiện như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đau đầu… nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh cá nhân thường xuyên”, ThS.BS. Hà Huy Tình chia sẻ thêm.

Tại Quảng Ninh, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến so với thời điểm cùng kỳ với khoảng từ 20-30 bệnh nhân mắc cúm A đang nằm điều trị.

“Đa số các bệnh nhân nhập viện do cúm sốt cao, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi ho, viêm phổi… Nguyên nhân tình hình dịch cúm A bùng phát thời điểm này do nhân dân chủ quan việc thực hiện 5K, đi du lịch nhiều, giao thương nhiều tốc độ lây lan tăng.

Các bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp sốt ho, hắt hơi sổ mũi có thể khám tại bệnh viện. Bệnh nhân triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà theo đơn kê của bác sĩ.

Dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp y tế như sốt cao có co giật, đau đầu dữ dội, mệt mỏi nhiều chúng tôi sẽ cho nhập viện. Các bệnh lý liên quan đường hô hấp triệu chứng gần giống nhau.

Do đó, ngoài khám lâm sàng bác sĩ sẽ phân biệt bằng test Covid-19 và test cúm. Nếu bệnh nhân đã test Covid-19 tại nhà cho kết quả âm tính chúng tôi sẽ tiến hành test cúm để khẳng định”. - Bác sĩ CKI Hoàng Thị Thanh Hoa - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng là đối tượng mắc cúm A thời điểm này. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng đột biến trên dưới 20 bệnh nhi.

Triệu chứng trẻ gặp phải khi nhiễm cúm như sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm tai giữa.

Bác sĩ Hà Thị Duyên – Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm cho trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa đông xuân (tháng 3,4,9,10 trong năm).

Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn thì cần phải nhập viện điều trị. Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm”.

Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt đối với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân cúm tăng bất thường thời điểm này.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa dự phòng mắc bệnh hiệu quả nhất.

Cùng chuyên mục

Lợi ích từ việc cấm bán thuốc lá cho thanh thiếu niên
Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health, việc cấm bán thuốc lá cho thanh thiếu niên và tạo ra một thế hệ không hút thuốc có thể ngăn chặn 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu.
Đình chỉ lưu hành mỹ phẩm RAILEZA do có chứa thành phần thuốc diệt côn trùng
Cục Quản lý Dược có công văn số 3188/QLD-MP về đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc sản phẩm RAILEZA của Công ty Cổ phần Oceanpharm chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh sản xuất, do có chứa chất Permethrin là chất được sử dụng với vai trò là thuốc diệt côn trùng. Theo quy định quản lý mỹ phẩm của Bộ Y tế, sản phẩm RAILEZA không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.
Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 01 - 05 tuổi
Theo kế hoạch, đối tượng được tiêm vaccine trong chiến dịch này là trẻ từ 01 - 05 tuổi đang sống trên địa bàn TP. Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn TP chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Tin mới