Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 30/11/2021 11:55 (GMT+7)

Hà Tĩnh: Khu công nghiệp Gia Lách 100 ha sau hơn 10 năm thành lập vẫn “lèo tèo” dăm nhà máy

Sau 10 năm thành lập, KCN Gia Lách với hơn 100ha vẫn chỉ lèo tèo, hạ tầng dang dở, chưa có khu xử lý nước thải, tỉ lệ lấp đầy khoảng 24%. UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục có văn bản chấp thuận chủ trương, lập quy hoạch đầu tư dự án mở rộng hết sức khó hiểu.

Phê duyệt hoành tráng…

Ngày 17/12/2007, ông Võ Kim Cự (lúc này đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) đã có Quyết định số 3282/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp (KCN) Gia Lách, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

KCN Gia Lách do Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng làm chủ đầu tư, có vị trí ranh giới giữa đô thị Xuân An và xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân; nằm trên trục đường QL8B, cách TP Hà Tĩnh khoảng 45km, trung tâm TP Vinh khoảng 5km, cảng Cửa Lò 20km, cảng Xuân Hải 6km.

Theo quy hoạch, đây là KCN tập trung của tỉnh Hà Tĩnh, định hướng phát triển các ngành nghề như điện tử, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, lâm sản, hải sản, may mặc, sản xuất lắp ráp đồ điện, sản xuất bao bì chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng… Tiếp nhận các cơ sở sản xuất, liên doanh, liên kết với các KCN khác của tỉnh, thu hút, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

tm-img-alt
Thưa thớt một số nhà máy đã hoạt động trong Khu công nghiệp Gia Lách

KCN Gia Lách có quy mô phát triển 300 ha, giai đoạn 1 triển khai quy hoạch chi tiết 100 ha theo Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Cơ cấu quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng gồm: khu trung tâm điều hành, khu xây dựng các công trình công nghiệp, khu xử lý nước thải, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước.

Cụ thể khu trung tâm điều hành chiếm 2,01 ha, khu đầu mối hạ tầng là 1,75 ha, các công trình công nghiệp 64,56 ha, khu xử lý nước thải 2,21 ha, đất giao thông 15,11 ha, cây xanh 11, 36 ha và đất đã xây dựng nhà máy 3 ha.

Tổng mức đầu tư KCN Gia Lách hơn 171 tỉ đồng với các nguồn vốn Ngân sách các cấp hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vốn vay, vốn ứng trước của các doanh nghiệp thuê đất…

Gần 3 năm sau, vào ngày 25/10/2010, ông Võ Kim Cự (lúc này là đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) ký quyết định số 3088/QĐ-UBND về việc thành lập KCN Gia Lách. Theo quyết định này thì vị trí, quy mô, tính chất, cơ cấu sử dụng đất vẫn giữ nguyên, chỉ tổng mức đầu tư được nâng lên gần gấp 3 lần là 455 tỉ đồng.

Mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi, được phê duyệt trong thời điểm “vàng”, cơ hội tận dụng được các nguồn lực, tuy nhiên nhiều năm sau đó KCN Gia Lách đã được đầu tư rời rạc, phát triển một cách “ì ạch”, không được như mong đợi và thực sự chưa hiệu quả.

tm-img-alt
Danh sách các nhà máy đầu tư tại dự án Khu công nghiệp Gia Lách

…Thực tế ngổn ngang

Được phê duyệt đầu tư từ giữa năm 2010, nhưng mãi đến tháng 8/2013, đường trục dọc trung tâm KCN Gia Lách mới hoàn thành. Ngoài trục đường chính này, thì hạ tầng KCN gần như chưa triển khai xây dựng được hạng mục nào. Việc triển khai hạ tầng một cách rời rạc, không đồng bộ đã khiến các nhà đầu tư không mặn mà gì trong việc thuê đất xây dựng nhà máy. Các khu đất rộng cả trăm héc ta sau khi giải phóng mặt bằng đã để hoang hóa nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Tiếp đó, vào ngày 30/10/2017, ông Đặng Quốc Khánh – nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (nay là Bí thư tỉnh ủy Hà Giang) đã có Quyết định số 3147/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật KCN Gia Lách, huyện Nghi Xuân

Theo quyết định phê duyệt thì đây là dự án nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III; chủ đầu tư lúc này là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung đầu tư là hoàn thiện 4 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 2,6km, hệ thống thoát nước mưa, nước thải và hệ thống điện. tổng mức đầu tư 95 tỉ đồng (trong đó chi phí xây dựng hơn 66 tỉ đồng). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ (65 tỉ đồng) và Chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phê duyệt là vậy nhưng nhiều năm sau đó, hạ tầng của KCN Gia Lách vẫn dang dở, chắp vá manh mún. Không có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, đặc biệt là khu xử lý nước thải chưa được triển khai xây dựng, nên một số nhà đầu tư đã không mặn mà.

Trong kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tĩnh Hà Tĩnh khóa XVII năm 2020, cử tri huyện Nghi Xuân đề nghị tỉnh ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư sớm lấp đầy KCN Gia Lách. Trả lời về vấn đề này, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Gia Lách đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 và Quyết định điều chỉnh số 2654/QĐ-UBND ngày 09/8/2019; theo quyết định phê duyệt, sẽ đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng; giai đoạn sau 2020 đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 1.000 m3/ngày đêm (có thể nâng cấp lên 3.550 m3/ngày đêm) và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 75,5 tỷ đồng và giai đoạn sau năm 2020 là 19,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ chuyển tiếp) và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình khu vực Khu kinh tế tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện để KCN Gia Lách sớm có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về thu hút đầu tư vào KCN này. Chỉ đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, quan tâm hơn nữa việc quảng bá, xúc tiến đầu tư kêu gọi các dự án đầu tư vào KCN Gia Lách; trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít đất, thân thiện với môi trường và có tác động thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh.

Trả lời là vậy nhưng tới nay đã cuối năm 2021, hệ thống hạ tầng KCN Gia Lách vẫn còn dang dở, đặc biệt khu xử lý nước thải mới bắt đầu khởi công xây dựng. Việc một KCN đã đi vào vận hành với 5 nhà máy hoạt động nhưng đến nay chưa có hệ thống xử lý nước thải, khiến dư luận hết sức hoài nghi, lo lắng.

Ông Phan Xuân Hiếu – Phó phòng quy hoạch và xây dựng- Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Về vấn đề Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ mở rộng (giai đoạn 2), chỉ mới chấp thuận cho công ty CP XNK Thăng Long khảo sát, quy hoạch, lập hồ sơ dự án chứ chưa hề có hồ sơ liên quan nào.

Đối với vấn đề về xử lý nước thải, hiện nay đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp”.

Qua đó, PV còn hoài nghi về vấn đề độ đạt chuẩn của nước thải công nghiệp được thải ra từ các nhà máy trong khu công nghiệp, ông Hiếu cho biết thêm: “Tuy hiện nay nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp đang xây dựng chưa đi vào hoạt động, nhưng cơ bản các nhà máy trong khu công nghiệp đã xử lý rồi”.

tm-img-alt
Nhà máy nước thải của Khu công nghiệp Gia Lách đang xây dựng.

Được biết, nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Trong khu công nghiệp, nước thải rất đa dạng, ngoài nước thải từ nhà máy thì còn có thêm nước thải sinh hoạt của lượng lớn công nhân làm việc trong KCN. Do vậy, nước thải sản sinh ra từ các Khu công nghiệp có số lượng và thành phần rất phức tạp với số lượng lớn nên ảnh hưởng của lượng nuớc thải này đối với môi trường xung quanh và sức khỏe con người là cực kỳ nghiêm trọng.

Ngoài ra, nước thải KCN có chứa hàm lượng chất ô nhiễm rất cao, nếu không được xử lý kịp thời hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, nước thải Khu công nghiệp sẽ gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng của nguồn nước mặt và nước ngầm ở khu vực xunh quanh.

Như vậy đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định thành lập KCN Gia Lách, nhưng đến nay mới chỉ thu hút được 10 dự án đầu tư. Trong số đó, chỉ mới có 5 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 14,5625ha, còn 5 dự án chưa được giao đất tổng diện tích được chấp thuân là 9,6042ha. Nếu tính cả những dự án được chấp thuận và chưa được chấp thuận giao đất chỉ thì tỉ lệ lấp đầy mới chiếm hơn 24% so với tổng diện tích của Dự án KCN Gia Lách đã được phê duyệt.

Nhìn những số liệu cụ thể trên thì có thể nhận thấy, hơn 10 năm qua Dự án KCN Gia Lách hoạt động không hiệu quả, chưa đem lại được kỳ vọng như mong đợi. Việc cần thiết lúc này là UBND tỉnh Hà Tĩnh cần huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, quảng bá thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích, khai thác quỹ đất một cách hiệu quả, đem lại việc làm cho người dân.

tm-img-alt
Ngày 03/08/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch đầu tư dự án KCN – Đô thị - dịch vụ Gia Lách mở rộng đối với Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long liệu có phù hợp?

Tuy nhiên, tại công văn số 5136/UBND-GT ngày 03/08/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch đầu tư dự án Khu công nghiệp – Đô thị - dịch vụ Gia Lách mở rộng tại xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân đối với Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long.

Dư luận đặt câu hỏivì sao giai đoạn 1 với diện tích quy hoạch 100 ha, tỉ lệ lấp đầy mới chỉ 24% thì nay UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục chấp thuận mở rộng dự án liệu có phù hợp? Đây là KCN mục đích là dành cho phát triển công nghiệp, tại sao quy hoạch mở rộng giai đoạn 2 lại dành 80 ha để làm Khu đô thị - Dịch vụ? Cơ sở pháp lý nào để quy hoạch Khu đô thị trong KCN ? Điều này có đúng theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN VÀ KKT?

Cùng chuyên mục

Chọn “Thời điểm Vàng” đầu tư Vinhomes Royal Island đảo Vũ Yên, Hải Phòng
Hải Phòng không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là địa điểm thu hút đầu tư bất động sản bởi các dự án hàng đầu trên thị trường. Trong số đó, Dự án Khu đô thị Vinhomes Royal Island là một dự án “HOT” đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư miền Bắc năm 2024.

Tin mới

Chọn phiên bản nào trong dòng iPhone 16?
Apple đã chính thức ra mắt dòng iPhone 16 với nhiều nâng cấp đáng chú ý về camera và màn hình, khiến không ít người phân vân giữa các lựa chọn. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn quyết định phiên bản phù hợp nhất.
Các trường hợp được sử dụng phí bảo trì chung cư
Kinh phí bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì, thay thế các hạng mục, trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư theo kế hoạch bảo trì được Hội nghị nhà chung cư thông qua. Ban quản trị nhà chung cư không được sử dụng kinh phí bảo trì này vào mục đích quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác.