Hậu Covid-19 ở trẻ em và tất tần tật những điều phụ huynh cần biết
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp đặc biệt nhiều bậc phụ huynh cho cho con em về tình trạng hậu Covid-19. Chuyên gia đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
Nhằm giúp các bậc cha mẹ, phụ huynh có thêm những kiến thức về hậu Covid-19 ở trẻ em, PGS.TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cùng TS.BS. Phan Hữu Phúc - Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương và BS Lê Nhật Cường- Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội đã có những tư vấn, chia sẻ cụ thể.
Hậu Covid-19 là gì?
Hiện nay có rất nhiều thuật ngữ cùng tồn tại như: hậu Covid-19 (post-Covid-19), Covid-19 mạn tính (chronic Covid-19) hay là tình trạng Covid-19 kéo dài (long Covid-19).
Mới đây vào tháng 10/2021 Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khái niệm: “Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc SARS-CoV-2, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát, với triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế”, bác sĩ cho biết.
Với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.
Theo các bác sĩ, tùy theo thời gian kéo dài các triệu chứng, có các thuật ngữ khác nhau:
Tình trạng Covid-19 cấp tính (Acute Covid-19): các triệu chứng xuất hiện trong vòng 4 tuần đầu kể từ ngày mắc đầu tiên.
Tình trạng Covid-19 bán cấp/dai dẳng (Subacute/ongoing/persistent Covid-19): các triệu chứng diễn ra từ 4 đến 12 tuần kể từ ngày mắc đầu tiên.
Tình trạng Covid-19 mạn tính (Chronic Covid-19): các triệu chứng diễn ra sau 12 tuần kể từ ngày mắc đầu tiên, có thể kéo dài tới 6 tháng.
Hậu Covid-19 có hay gặp không?
Theo các chuyên gia, tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 khá dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, ở các lứa tuổi và quần thể khác nhau, cũng như cách xác định thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau.
Hơn nữa, các triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em cũng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc các triệu chứng cũng khác nhau. Do đó, hiện nay con số chính xác tỷ lệ mắc hậu COVID-19 ở trẻ em chưa rõ.
Nguyên nhân của hậu Covid-19 là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đây là tình trạng chưa có căn nguyên xác định, kết hợp nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm của virut, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực.
Một số tình huống khác cũng có thể gây ra các triệu chứng mới hay tiếp diễn như: virus tồn tại lâu hơn bình thường do phản ứng miễn dịch không hiệu quả.
Tình trạng tái nhiễm (ví dụ bởi 1 chủng khác của virus); Thể lực yếu do thiếu vận động khi ốm; Stress hậu sang chấn hoặc di chứng tâm thần khác, đặc biệt ở người có tiền sử lo âu, trầm cảm, mất ngủ, hay bệnh lý tâm thần khác; Giảm trao đổi oxy do hậu quả của các cục máu đông dai dẳng; Sự hình thành các kháng thể tự miễn sau nhiễm vi rút.
Trẻ em mới bị mắc Covid-19 cấp tính, liệu có bị mắc hậu Covid-19 khômg?
Một vấn đề rất được cha mẹ quan tâm là một trẻ mắc Covid-19 cấp tính liệu sẽ bị mắc hậu Covid-19 hay không, nếu xuất hiện thì triệu chứng và mức độ thế nào?
Tuy nhiên theo bác sĩ, tới nay chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19.
Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ… là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, các bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn các nhóm trẻ khác.
Những triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em
Hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường biểu hiện các triệu chứng nhiều nhất trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác,.. Trẻ cũng có thể có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập.
Các triệu chứng hô hấp hay gặp khác là ho kéo dài, đau họng, khó thở,… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.
Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng thường xảy ra sau 2-6 tuần mắc Covid-19. Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện.