Hơn 3 tháng nỗ lực hồi sinh bé gái sinh cực non 24 tuần, chỉ nặng 550 gram
Các bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa điều trị, nuôi dưỡng thành công bé gái sinh cực non ở tuần thai thứ 24, chỉ nặng 550 gram.
Đây là trường hợp trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nhất được cứu sống tại Phú Thọ, đồng thời cũng là một trong số rất ít trường hợp trẻ sơ sinh cực non ở tuần thai thứ 24 được cứu sống trên toàn quốc.
Bệnh nhi là con sản phụ N.T.H. (trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ). Ngày 20/11/2023, ở tuần thai thứ 24, sản phụ H. bất ngờ có dấu hiệu chuyển dạ và sinh thường một bé gái chỉ nặng 550 gram.
Sau sinh, bệnh nhi không khóc, tím toàn thân, phản xạ rất kém, được các bác sĩ Khoa Sơ sinh đặt ống nội khí quản cấp cứu tại phòng sinh, hỗ trợ thông khí, ủ ấm và chuyển Khoa Sơ sinh tiếp tục điều trị.
Nhận định đây là một trường hợp sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân, tình trạng suy hô hấp rất nặng, mỗi phút trôi qua đều làm tăng nguy cơ tử vong, các bác sĩ khẩn trương thực hiện phương pháp hồi sức tích cực nhất cho bệnh nhi.
Bệnh nhi được nằm lồng ấp, thở máy chỉ số cao, thăm dò cận lâm sàng ngay tại chỗ, bơm Surfactant thay thế và đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để duy trì vận mạch và dịch nuôi dưỡng, điều chỉnh rối loạn toan kiềm…
Những ngày đầu sau sinh, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhi tăng, xuất hiện những cơn tím tái, nhịp tim chậm, rối loạn toan kiềm… và được các bác sĩ phát hiện, hội chẩn toàn khoa kể cả đêm muộn, áp dụng phác đồ điều trị tích cực. Bệnh nhi tiếp tục được sử dụng máy thở với chỉ số rất cao, sử dụng các thuốc vận mạch, truyền máu, truyền huyết tương, Albumin, bù toan kiềm, điều trị rối loạn điện giải và chiếu đèn vàng da.
Sau 7 ngày điều trị thở máy với chỉ số cao, tình trạng của bệnh nhi tiến triển tốt, được giảm dần chỉ số máy thở. Đến ngày điều trị thứ 17, bệnh nhi được rút ống nội khí quản, thở máy không xâm nhập và bắt đầu tập cho ăn, mỗi bữa chỉ 1 ml. Quá trình chăm sóc, các bác sĩ, điều dưỡng đều rất nhẹ nhàng, cẩn thận, tỉ mỉ vì trẻ rất non, da rất mỏng, đường ven rất bé và yếu.
Ngày điều trị thứ 35, cân nặng của bệnh nhi đạt 1.000 gram, ăn sữa qua sonde (khoảng 18ml/bữa), được cắt dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch, thở CPAP (phương pháp hỗ trợ hô hấp cho trẻ có khả năng tự thở). Kết quả tầm soát các bệnh lý của bệnh nhi trong giới hạn bình thường, các phản xạ sơ sinh đều tốt, võng mạc trưởng thành.
Sau 60 ngày điều trị, bệnh nhi được cai thở CPAP, chuyển sang thở oxy, lúc này cân nặng đạt 1500 gram. Xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận trong giới hạn bình thường, kết quả sàng lọc các cơ quan mắt, não, tim và đánh giá phản xạ sơ sinh tốt.
Với những tiến triển tích cực đó, bệnh nhi được ra ghép mẹ, thực hiện phương pháp Kangaroo (đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực người mẹ). Phương pháp này nhằm giúp bệnh nhi tránh được những cơn ngừng thở sinh lý, giúp điều hòa nhịp tim, hỗ trợ sự phát triển của não bộ, tránh được tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh, trào ngược dạ dày - thực quản...
Đến ngày điều trị thứ 80, bệnh nhi đã hoàn toàn có khả năng tự thở, ăn sữa tốt (khoảng 50ml/bữa), các phản xạ đều tốt và cân nặng đạt 2.200 gram.
Ngày 23/2/2024, sau 93 ngày nỗ lực điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, cân nặng bệnh nhi đạt 2.500 gram, tự bú tốt, sức khỏe ổn định và được cho xuất viện.
BSCKII. Nguyễn Đức Hậu khuyến cáo: Để giảm thiểu nguy cơ sinh non và những rủi ro do sinh non, các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ cần được chăm sóc thai kỳ cẩn thận, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, huyết áp và các bệnh lý khác, tránh để ảnh hưởng tới thai nhi.