Indonesia sẵn sàng ứng phó nguy cơ động đất ở các điểm du lịch
Một số nhà khoa học Indonesia cho biết nguy cơ “siêu động đất” và sóng thần luôn hiện hữu, song người dân không nên lo lắng quá mức. Thay vào đó, cần chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó.
Nhằm sẵn sàng trước khả năng xảy ra các trận động đất lớn, Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý BMKG của Indonesia đã kêu gọi ngành du lịch có biện pháp đảm bảo cho các bãi biển và các khu du lịch của nước này đủ tiêu chuẩn giảm thiểu tác động thảm họa.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Jakarta hôm 26/8, ông Suci Anugrah, người đứng đầu Phòng giảm nhẹ sóng thần Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Cơ quan BMKG, cho rằng động đất mạnh là khó tránh khỏi vì đã được phân tích qua các nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, không thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra “siêu động đất”. Do vậy, để phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch Indonesia ngay từ lúc này cần chuẩn bị một kế hoạch giảm thiểu thiệt hại từ động đất, sóng thần.
Theo ông Suci Anugrah, Bali – nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch” của Indonesia – đang thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn giảm thiểu thảm họa. Song còn nhiều khách sạn và điểm đến du lịch khác ở Indonesia bỏ qua các tiêu chuẩn cơ bản về giảm thiểu thiệt hại động đất, sóng thần như: không có biển báo sơ tán rõ ràng, khó vận hành các lối thoát hiểm…
Chuyên gia của BMKG nhấn mạnh 03 bước giảm thiểu thảm họa mà ngành du lịch Indonesia cần áp dụng, gồm: thiết lập hệ thống sơ tán tại các điểm tham quan du lịch; cung cấp tờ rơi, áp phích thông tin về phòng ngừa thảm họa, nhất là ở những khu vực dễ xảy ra động đất, sóng thần; đảm bảo các nhà quản lý khách sạn, điểm du lịch tiếp cận được với các bản cập nhật thời tiết, cảnh báo của BMKG.
Cơ quan BMKG gần đây nhận định Indonesia được bao quanh bởi 13 vùng siêu lực đẩy – nơi giao nhau giữa các mảng kiến tạo có khả năng gây ra động đất mạnh và sóng thần. Trong số này, vùng eo biển Sunda và đoạn Mentawai – Siberut (Tây Sumatra) có nguy cơ xảy ra “siêu động đất” có độ lớn lên tới 8,7 – 8,9.
Một số nhà khoa học Indonesia cho biết nguy cơ “siêu động đất” và sóng thần luôn hiện hữu, song người dân không nên lo lắng quá mức. Thay vào đó, cần chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương – nơi các mảng kiến tạo địa chất va chạm, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất, sóng thần. Năm 2004, thảm họa “kép” động đất, sóng thần đã xảy ra ở tỉnh Aceh trên đảo Sumatra khiến hơn 180.000 người dân Indonesia thiệt mạng. Đây được coi là thảm họa tự nhiên tang thương nhất trong lịch sử Indonesia.