Khi nào thì người dân được xuất trình giấy phép lái xe tích hợp trên VNeID?
Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng. Đáng chú ý, trong đó có một số nội dung liên quan đến lộ trình thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước, ứng dụng VNeID.
Theo Bộ Công an, đến thời điểm hiện tại Bộ đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Ngoài ra, đã tích hợp thẻ căn cước trên tài khoản định danh điện tử, giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhìn nhận ra một số tồn tại trong quá trình triển khai công tác cấp, quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Ví dụ như việc người dân sử dụng thuê bao chưa đăng ký thông tin người sử dụng, thuê bao ít sử dụng, không sử dụng để đăng ký tài khoản định danh điện tử, dẫn đến khó khăn trong việc kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định rõ các tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn, hướng dẫn thi hành nội dung theo quy định của Luật Căn cước, Bộ Công an thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.
Cũng theo Bộ Công an, Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã xác định một số nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước, ứng dụng VNeID.
Một trong những nội dung cần thực hiện là từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đã tích hợp, người dân chỉ cần sử dụng thẻ căn cước, ứng dụng VNeID. Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng, tiện ích của chíp điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử...
Về lộ trình thay thế giấy phép lái xe (bản cứng) bằng thông tin của loại giấy tờ này trên VNeID khi xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), Bộ Công an cho biết, Điều 13, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ nêu rõ, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe và một số giấy tờ khác.
Theo đó, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tiếp theo) để bảo đảm ứng dụng tài khoản định danh điện tử.
Hiện nay, CSGT một số địa phương thực hiện kiểm tra thông tin giấy tờ xe trên VNeID chỉ áp dụng khi kiểm tra hành chính hoặc người điều khiển xe vi phạm lỗi có mức phạt dưới 250 nghìn đồng (áp dụng nộp phạt tại chỗ).
Còn những lỗi vi phạm mà áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe, CSGT sẽ buộc tài xế xuất trình bằng lái bản gốc dạng PET để lập biên bản và ra quyết định tạm giữ.