Kinh tế Việt Nam 2020: Để tiếp tục những gam màu sáng
Kết thúc năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt được những thành quả ấn tượng, xác lập thêm nhiều kỷ lục mới…
Một năm tương đối đẹp
Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,8% và mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%. Theo đó, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong ba năm qua. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, năm 2019 có thể coi là một năm tương đối tốt đẹp đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%). Bên cạnh đó, nợ công giảm gần 8 điểm phần trăm GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua.
WB đánh giá rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng. Tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình cũng là một yếu tố ngày càng quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên.
Thêm gam màu sáng
Hòa chung gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp xấp xỉ 33% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 42% GDP của đất nước. Trong đó, phải kể đến sự ra đời của ô tô “Made in Việt Nam” Vinfast vào tháng 6/2019. Thành công này cho thấy, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể phát triển vững mạnh tại môi trường kinh doanh của Việt Nam và tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam có đủ tiềm lực để hợp tác, cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.
Năm 2019 cũng là năm đầu tiên khu vực kinh tế trong nước tạo ấn tượng với con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 18,1%, cao gấp hơn 4 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ghi nhận thêm một kỷ lục mới khi xuất siêu khoảng 9,2 tỷ USD. Cán cân thương mại dịch vụ tiếp tục thặng dư, ước khoảng 4,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2018. Đặc biệt, năm 2019, xuất khẩu nông sản vẫn đạt mức ấn tượng trên 40 tỷ USD.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội, dù các nền kinh tế thế giới suy giảm, nhưng Việt Nam lại có nhiều kết quả lạc quan do liên tục nhận được lợi thế từ quá trình dịch chuyển nguồn vốn và đầu tư cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ.
Tiếp tục giải quyết “điểm nghẽn”
Dự báo về triển vọng ngắn và trung hạn của Việt Nam, WB cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tích cực với tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong những năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn “miễn dịch” với các cú sốc bên ngoài và vẫn sẽ gặp phải khó khăn nhất định.
Điển hình như tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng của năm 2019. Dòng vốn FDI vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sáp nhập (M&A).
Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có gam màu sáng, Việt Nam cần phải giải quyết được những “điểm nghẽn” như giải ngân vốn đầu tư công, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng phát triển ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, chế biến chế tạo. Việt Nam cũng cần xác định động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế như: Khu vực tư nhân, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và thiết lập được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, Việt Nam đang có lợi thế nhờ một loạt hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký ngày 30/6/2019. Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển, hội nhập sâu rộng vào Cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để những lực đẩy này, phát huy những điểm sáng kinh tế năm 2019, từ đó tạo “bệ phóng” vững chắc để phát triển kinh tế năm 2020.