Làm lây lan dịch có thể bị xử lý hình sự?
Các văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định rất rõ đối với hành vi trốn cách ly, không khai báo y tế khiến dịch bệnh lây lan; đầu cơ, tích trữ, nâng giá trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm…
Tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, với mức độ lây lan rất nhanh. Tính đến 19h30 ngày 08/3/2020 trên thế giới ghi nhận 107.104 ca nhiễm, trong đó có 3.649 trường hợp tử vong, 59.866 trường hợp bình phục. Đối với Việt Nam, có 30 ca nhiễm, 16 trường hợp bình phục.
Cuối tháng 01 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của virus corona. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Bộ Y tế cũng đã bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao…
Có thể nói, đây là những văn bản hết sức quan trọng cùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác sẽ là cơ sở xử phạt đối với các hành vi: trốn cách ly, không khai báo y tế khiến dịch bệnh lây lan; tung tin sai sự thật; lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, nâng giá trang thiết bị y tế, lương thực…
Vừa qua, nhiều trường hợp khi nhập cảnh vào Việt Nam đã trốn cách ly, không khai báo y tế khi từ vùng dịch trở về. Đáng lên án hơn, một số trường hợp đã lên mạng xã hội “tuyên truyền” về cách trốn cách ly.
Theo Luật sư Hà Huy Từ – Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đối với hành vi trốn cách ly, không khai báo y tế để dịch bệnh lây lan, căn cứ tính chất và mức độ của hành vi, yếu tố lỗi, nguyên nhân khách quan, chủ quan mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.
Trong trường hợp, nếu người có hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (khoản 1 Điều 240 BLHS).
Theo Luật sư Từ, Chính phủ cũng đã có những quy định rất cụ thể đối với hành vi tung tin sai sự thật.
Ngày 13/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020). Nghị định này bãi bỏ Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định mới quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội (điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh đầu cơ, tích trữ, nâng giá trang thiết bị y tế, lương thực. Điểm c khoản 2 Điều 10, Luật Giá năm 2012 quy định: Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Về xử phạt hành chính, Chính phủ ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 19/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Về xử lý hình sự, khoản 1 Điều 196 BLHS “Tội đầu cơ” quy định: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, bài bản để hạn chế, tránh lây lan dịch bệnh, với mục tiêu tối thượng là chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân.
Có nhiều người dân tiếp nhận thông tin chính thống, thực hiện đúng các bước chăm sóc, bảo vệ bản thân, gia đình theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cũng có một số người có hành vi vi phạm pháp luật như trốn cách ly, không khai báo y tế để dịch bệnh lây lan, hành vi tung tin sai sự thật, lợi dụng dịch bệnh đầu cơ, tích trữ, nâng giá trang thiết bị y tế, lương thực. Về khía cạnh pháp lý, những hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hành chính hoặc hình sự.
Tuy nhiên, ở góc độ tình người, thiết nghĩ những cá nhân có hành vi vi phạm này cần phải “thức tỉnh”, cần sống có ý thức hơn, vì bản thân mình, vì gia đình và cộng đồng. Đừng vì “anh hùng bàn phím”, đừng vì bốc đồng, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà gây ra những nỗi hoang mang, lo lắng, sợ hãi cho cộng đồng và làm tốn kém ngân sách của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch. Luật sư Hà Huy Từ nói.